* Phóng viên: Quy chế đặt ra khi thành lập các tổ kiểm tra liên ngành là phải có hơn một nửa số thành viên ký vào biên bản. Tuy nhiên, ột số cán bộ đã không ký dẫn đến vô hiệu quyết định xử phạt. Theo ông, có phải họ đã cố tình lợi dụng điểm này để ngầm giúp cơ sở vi phạm trong các lần kiểm tra?
- Ông Phạm Văn Mười: Chúng tôi đã tập huấn kỹ cho các cán bộ tổ kiểm tra nhưng một số “không thuộc bài”. Đối với những người làm sai quy trình, gây khó khăn cho việc xử phạt, UBND quận sẽ tiến hành kiểm điểm.
Thực tế có vụ việc biên bản trình lên cho UBND quận ra quyết định xử phạt thì có số và đầy đủ chữ ký, nhưng biên bản giao cho chủ cơ sở vi phạm lại không có số và thiếu chữ ký.
Thế là người ta dựa vào đó để khiếu nại dẫn đến việc phải hủy bỏ quyết định xử phạt như Báo Người Lao Động đã nêu.
* Ông có thừa nhận một phần khó khăn trong công tác kéo giảm tệ nạn là do lực lượng cán bộ?
- Đối với địa bàn rộng lớn như quận Bình Tân (gấp 10 lần quận 1), lực lượng chức năng như vậy là rất mỏng. Đầu năm nay, UBND TP cho phép tổ chức lại các đoàn kiểm tra, lập tức chúng tôi lập thêm một đoàn. TP, quận ủy đã chỉ đạo rất quyết liệt và chúng tôi cũng sẽ làm quyết liệt, kể cả sẵn sàng thay đổi cán bộ.
Cơ quan chức năng đang lập biên bản xử lý việc kinh doanh trá hình tại một cơ sở trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - TPHCM. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
* Vậy quận Bình Tân sẽ làm như thế nào để chấm dứt tình trạng cơ sở tệ nạn thay tên đổi chủ, dẹp chỗ này mọc chỗ kia?
- Vì việc kiểm tra để bắt quả tang đối với các điểm kinh doanh trá hình lâu nay kém hiệu quả, chúng tôi hạn chế “đánh” trực diện mà tập trung các biện pháp gián tiếp. “Chà đi xát lại” là phương châm đầu tiên. Chúng tôi làm “rát”, kiểm tra liên tục.
Có nhiều lĩnh vực có thể kiểm tra, như: an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh tế, văn hóa xã hội, thuế, hành chính, phòng cháy chữa cháy, lao động. Một khi đã xác định cơ sở làm ăn bất chính, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra 5 đợt, xoay vòng các nhóm, trong một ngày.
UBND quận cũng chỉ đạo các phường bố trí lực lượng công an, dân phòng chốt chặn thường xuyên và được phép quay phim, chụp hình cơ sở kinh doanh để khách sợ mà không đến.
Bên cạnh đó, chúng tôi vận động chủ mặt bằng chấm dứt cho thuê đối với những chủ cơ sở làm ăn trá hình. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất ủng hộ các biện pháp này và đã có ý kiến cần nhân rộng.
Làm được các công việc trên rất hao tốn nhân lực. UBND quận thống nhất ủng hộ mỗi phường 10 triệu đồng/tháng để cắt cử lực lượng, bảo đảm ngăn chặn hoạt động của các tụ điểm không lành mạnh.
* Việc cấp phép dễ dàng, kể cả cho các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ nhạy cảm cũng là nguyên nhân khiến “kinh doanh tệ nạn” sinh sôi, vậy quận Bình Tân giải quyết chuyện này thế nào?
- Cấp phép mà tiền kiểm lẫn hậu kiểm đều kém thì rõ ràng là khó khăn chồng chất lên chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Chúng tôi vẫn ví vui với nhau về việc cấp phép kinh doanh trong các lĩnh vực này giống như rải “âm binh” vậy. “Âm binh” nhiều quá mà “thầy pháp” thì ít quá!
UBND quận Bình Tân đã gửi Sở Kế hoạch-Đầu tư TP danh sách 43 doanh nghiệp đề nghị rút giấy phép kinh doanh nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, chúng tôi phải áp dụng các biện pháp riêng để xóa dần; đến nay cũng xóa được 37 trong số 43 doanh nghiệp này.
Đối với các cơ sở do Phòng Kinh tế quận cấp phép, chúng tôi yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với phường, nếu địa phương không đồng ý vì có khả năng phát sinh tệ nạn thì không được cấp.
UBND TP yêu cầu quận Tân Bình, Phú Nhuận báo cáo
Ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Thoát y và… tắm bia”, phản ánh tình trạng tệ nạn tại các quán nhậu trên địa bàn quận Tân Bình và Phú Nhuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND quận Phú Nhuận và UBND quận Tân Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo với UBND TP.
Q.Hiền |
Bình luận (0)