xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà báo Hoàng Hùng từng lo sợ bị trả thù

NHÓM PHÓNG VIÊN

Sau 2 lần hồ sơ được trả về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An để điều tra bổ sung, ngày 29-3 vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng bị sát hại sẽ được TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử. Tuy vậy, đến nay, nhiều khuất tất của vụ án vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục

Ngày 12-1, TAND tỉnh Long An trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2, trong đó nêu: “Lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng trước khi chết chưa trích ghi lại biên bản để xem xét nội dung lời khai?’’. Gần một tháng sau, kết luận điều tra bổ sung lần 2 của Cơ quan CSĐT ngày 8-2 tiếp tục làm dư luận thất vọng khi chỉ ghi: “Đối với lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng trước khi chết, Cơ quan CSĐT đã tiến hành ghi âm, sang đĩa và đã trích biên bản ghi lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng. Nội dung lời sinh cung đó không có liên quan gì đến vụ án’’.

img
Nhà báo Lê Hoàng Hùng (đứng) trong tiệc cưới của người em trai. ẢNH DO GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Nạn nhân khai gì?

Trước đó, ngày 23-8-2011, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKSND tỉnh Long An cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này có nội dung: “Điều tra làm rõ lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng trước khi chết có hay không có căn cứ, phải kết luận rõ ràng”. Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 26-9-2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An chỉ thể hiện ngắn gọn: “Lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng, CQĐT đã tiến hành ghi âm và sang đĩa, chưa phát hiện gì có liên quan đến vụ án”. Từ đó, gạt bỏ lời sinh cung của nạn nhân ra khỏi hồ sơ vụ án.

Như vậy, có 2 lần lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng được cả VKS và tòa án lưu ý và cả 2 lần này, Cơ quan CSĐT vẫn chỉ một câu trả lời: “Không có liên quan gì đến vụ án”. Trong khi đó, theo “Biên bản mở máy ghi âm lời khai Lê Hoàng Hùng’’ (lời ghi âm được thực hiện khi nhà báo Hoàng Hùng nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy), khi được điều tra viên hỏi: “Trong cuộc sống, trong tác nghiệp báo chí, anh có mâu thuẫn với ai không?’’, nhà báo Hoàng Hùng trả lời: “Trong cuộc sống, tôi không có mâu thuẫn với ai. Trong tác nghiệp báo chí, chủ yếu viết tin, bài thời sự xã hội. Thời gian gần đây có viết tin tên Khoa, con ông Lắm (TAND tỉnh Long An) phạm tội hủy hoại tài sản. Hiện nay, tôi đang tiếp cận thu thập thông tin về vụ xét xử ly hôn phân chia tài sản (số lượng tài sản lớn) liên quan đến người nước ngoài tên Jimmy Trần do ông Lắm làm thẩm phán, nhưng ông Lắm không cung cấp thông tin’’. Ở một câu hỏi khác, khi điều tra viên hỏi: “Sự kiện anh bị đốt bỏng, anh có nghi ngờ ai không?”, một lần nữa, nhà báo Hoàng Hùng trả lời: “Tôi không có mâu thuẫn với ai, gần đây tôi đang tiếp cận vụ ông Lắm (TAND tỉnh Long An) xét xử vụ ly hôn phân chia tài sản lớn liên quan đến người nước ngoài. Việc xét xử có dấu hiệu vi phạm nên tôi sợ bị trả thù về việc này. Ngoài ra, tôi không còn nghi ngờ và không biết ai đốt tôi’’.

Chưa nói đến việc lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng ít nhiều đều liên quan đến vụ án nhưng trước đây không được đưa vào hồ sơ vụ án (ví dụ lời khai về những sự việc trước và sau khi xảy ra vụ án có trùng hợp với lời khai của thủ phạm và các nhân chứng hay không), câu hỏi đặt ra là: Nạn nhân có nêu những nghi vấn liên quan đến việc mình gặp nạn nhưng vì sao CQĐT không mở rộng điều tra từ lời khai này?

Ông Tâm vẫn “ngoài cuộc”

Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2, TAND tỉnh Long An còn yêu cầu CQĐT tỉnh này làm rõ việc bà Liễu viết thư gửi cho ông Tâm thông qua cháu Lê Hồng Nhung (con gái lớn của nhà báo Hoàng Hùng) đem đến đưa cho Nguyễn Thị Nhiệm (em ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên cán bộ QLTT tỉnh Long An) để chuyển cho ông Tâm, cần làm rõ mục đích viết thư của bà Liễu và xác định ông Tâm có biết và nhận thư bà Liễu gửi không; ý thức chuẩn bị việc phòng cháy chữa cháy khi bà Liễu dùng xăng đốt chồng, có bàn bạc với ai không? Tất cả nhằm xác định xem có hay không có đồng phạm trong vụ án.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xác minh lần 2 vẫn kết luận không có đồng phạm. Theo đó, các lá thư cháu Nhung đã gửi bà Nhiệm nhờ chuyển cho ông Tâm, sau khi bà Nhiệm xem thư đã tiêu hủy bức thư, không chuyển cho ông Tâm, chỉ điện thoại kêu ông Tâm qua nhà trao đổi nội dung bức thư vì sợ vợ ông Tâm biết mối quan hệ tình cảm giữa bà Liễu và ông Tâm. Vì vậy, ông Tâm biết bà Liễu có gửi bức thư thông qua bà Nhiệm. Mục đích bà Liễu viết thư gửi ông Tâm là để ông Tâm biết bà không trình bày về mối quan hệ giữa hai người vì sợ CQĐT biết bà Liễu có quan hệ tình cảm với ông Tâm nên thực hiện việc đốt chồng, đồng thời thông tin cho ông Tâm biết Cơ quan CSĐT đang điều tra theo hướng nhà báo Hoàng Hùng thiếu nợ ở Tiền Giang, không nghi vấn bà Liễu thực hiện hành vi đốt chồng (thời điểm này bà Liễu chưa ra tự thú). Ngoài ra, không có mục đích gì khác. Về ý thức chuẩn bị công cụ phòng cháy chữa cháy của bà Liễu khi thực hiện hành vi đốt chồng thì bà Liễu cho rằng lửa cháy không lớn nên không nghĩ đến việc chuẩn bị chữa cháy. Việc chuẩn bị dụng cụ thực hiện hành vi đốt chồng do một mình bà Liễu suy nghĩ và thực hiện, ngoài ra không có bàn bạc với ai khác (?!).

Mất hết dữ liệu về điện thoại

Một điểm đáng chú ý nữa là TAND tỉnh Long An còn yêu cầu CQĐT tỉnh này làm rõ các cuộc điện thoại và tin nhắn của bà Liễu và ông Tâm trước, trong và sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, yêu cầu tổng đài điện thoại cung cấp nội dung cuộc gọi, thời gian gọi, tin nhắn, nội dung tin nhắn để xem xét. Sau đó Công ty Thông tin di động - Trung tâm tính cước và thanh khoản, Chi nhánh Mobifone Long An cung cấp thông tin chi tiết thuê bao số điện thoại của ông Tâm gồm 26 trang; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Viễn thông Long An cung cấp chi tiết cuộc gọi của số điện thoại bà Liễu gồm  16 trang cuộc gọi đi, gọi đến, tin nhắn đi, tin nhắn đến. Nhưng cuối cùng “nội dung tin nhắn không thể lưu giữ hoặc truy cập được’’.

Vấn đề đặt ra là vì sao sau khi ra tự thú, bà Liễu có khai về mối quan hệ tình cảm với ông Tâm, CQĐT lại không tiến hành những biện pháp nghiệp vụ cần thiết (như yêu cầu các công ty viễn thông cung cấp nội dung các cuộc điện thoại, tin nhắn giữa ông Tâm, bà Liễu) để xác định xem ông Tâm có đồng phạm giết người hoặc có hành vi che giấu tội phạm hay không? Bây giờ, một năm sau, TAND tỉnh Long An yêu cầu điều tra bổ sung, CQĐT mới tiến hành thu thập thì dữ liệu đã không còn. Ở đây phải chăng nghiệp vụ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An có vấn đề hay còn lý do gì khác? Nhất là khi sự thiếu sót này dẫn đến thực tế là không thu được nội dung tin nhắn.

Vì sao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An, trong chức năng và nhiệm vụ của mình, không mở rộng điều tra từ lời khai của nạn nhân Lê Hoàng Hùng về việc nghi ngờ bị trả thù vì liên quan đến công việc? Vì sao không tiến hành thu thập nội dung cuộc gọi, tin nhắn điện thoại của bà Trần Thúy Liễu, ông Nguyễn Văn Tâm ngay sau khi bà Liễu ra đầu thú mà phải chờ đến khi TAND tỉnh Long An yêu cầu cung cấp nội dung cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, CQĐT mới tiến hành nghiệp vụ này và… không thu được gì? Những câu hỏi này cần được trả lời để đem lại ánh sáng công lý.

Giết người vì động cơ đê hèn

Cáo trạng của VKSND tỉnh Long An đã truy tố bà Liễu theo điểm q, khoản 1, điều 93 BLHS. Theo đó, bà Liễu giết người vì động cơ đê hèn, có mức hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong vụ án này, ngoài hành vi giết người, bà Liễu còn có hành vi qua biên giới trái phép, CQĐT đã tách ra để xử lý sau. Còn việc bà Liễu vay nợ nhiều người, nếu có yêu cầu thì có thể xử lý bằng vụ án khác.

Về vụ án ly hôn kỳ lạ

Lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng lần đầu được công bố sau hơn một năm điều tra đã mở ra thêm nghi vấn về khả năng anh bị trả thù do công việc. Vài lần trong lời khai với CQĐT trước khi mất, anh cho biết đã gặp khó khăn trong tác nghiệp về đề tài này và bản thân anh đã cảm nhận được mối nguy hiểm từ công việc đó. Thực tế, trước khi gặp nạn, anh có đến TAND tỉnh Long An đăng ký làm việc với lãnh đạo tòa án để chất vấn những bất thường về vụ xét xử ly hôn cho vợ chồng bà Đặng Thị Hoàng Yến (thường trú quận 5-TPHCM; cư ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và ông Jimmy Trần (quốc tịch Hoa Kỳ, đăng ký thường trú tại Việt Nam ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Nhưng chưa đến ngày hẹn, anh đã bị đốt.

Sau khi nhà báo Hoàng Hùng mất, chúng tôi đã tiếp tục đề tài điều tra nói trên của anh. Theo đó, ngày 6-10-2010, TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn là bà Đặng Thị Hoàng Yến và bị đơn là ông Jimmy Trần. Sau đó, VKSND tỉnh Long An nhận được 2 bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm có nội dung không giống nhau nhưng lại cùng trong một vụ kiện, cùng một số thụ lý. Sau khi xem xét chứng cứ thể hiện trong 2 bản án, VKSND tỉnh Long An đã ra quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; quyết định về việc giao toàn bộ tài sản cho bà Yến; ông Jimmy Trần được sở hữu tài sản tiền mặt tại Việt Nam tương đương khoảng 50.000 USD là không có căn cứ. 

Tuy nhiên, sau đó, VKSND  tỉnh Long An lại rút quyết định kháng nghị. Việc này, VKSND tỉnh Long An đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy Long An khẳng định: “Kháng nghị của VKSND tỉnh Long An là có căn cứ, VKSND tỉnh Long An rút kháng nghị là do VKSND Tối cao chỉ đạo”.

Liên quan đến việc này, đến giờ này chỉ một mình thẩm phán Lê Văn Lắm - người cho ra bản án ly hôn kỳ lạ nói trên - bị kỷ luật và không được đề nghị tái bổ nhiệm thẩm phán.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo