Hệ thống y tế “kiệt sức” vì quá tải (Ảnh chụp tại Bệnh viện K, Hà Nội)
Tăng viện phí liệu có nâng được chất lượng khám chữa bệnh (KCB)? Làm thế nào để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện (BV)? Đây là vấn đề trọng tâm được Bộ Y tế đặt ra tại hội nghị nâng cao chất lượng KCB, triển khai chính sách viện phí mới vào ngày 15-3, đúng một tháng trước thời điểm viện phí mới được áp dụng.
Quá tải hơn 300%
Tại hội nghị, Bộ Y tế đã “điểm mặt” các BV và những chuyên khoa quá tải diễn ra nặng nề nhất trong năm 2011 gồm: BV Chợ Rẫy, Việt Đức, Hữu Nghị, E, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Các bệnh phổi Trung ương, K, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương tại Hà Nội.
Tình trạng quá tải ở mức trên 300% diễn ra phổ biến tại Khoa Phẫu thuật phụ khoa (quá tải 346%), Phẫu thuật Tổng hợp (341%), Phẫu thuật vú (326%), Khoa xạ (282%) thuộc BV K. Trong khi đó, các khoa Tim mạch, Tiêu hóa, Chấn thương sọ não, Huyết học lâm sàng, Ngoại thần kinh (BV Chợ Rẫy) quá tải ở mức từ 215% - 269%. Một số chuyên khoa như tim mạch, bệnh màng phổi, hô hấp, ung bướu nhi, khoa phụ ung thư, sản thường, nội tiết, chỉnh hình răng hàm mặt…, tình trạng quá tải phổ biến trên dưới 200%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng với việc điều chỉnh giá 447 dịch vụ y tế từ ngày 15 - 4 tới đây thì chất lượng KCB cũng phải được nâng cao và quan tâm đến vấn đề y đức. Theo bà Tiến, chất lượng KCB hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thời gian nằm viện còn dài, nhiễm trùng BV, nhiễm trùng chéo còn nhiều.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục dẫn chứng lại những hình ảnh mà bà cho rằng không đẹp khi nhắc đến ngành y tế Việt Nam. “Không nơi nào trên thế giới lại có tình trạng nằm ghép 3-4 người/giường như ở các BV Việt Nam. Thậm chí, người bệnh xếp hàng từ 5 giờ đến 11 giờ vẫn chưa được khám bệnh chỉ vì thủ tục hành chính rườm rà. Tại nhiều nơi bước chân vào BV, người bệnh phải đối mặt với không khí ngột ngạt, cơ sở vật chất tồi tàn, nhân viên hướng dẫn thì cáu gắt …” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các BV cần nâng cao chất lượng KCB mà thay đổi trước tiên là bố trí khu vực khám bệnh phải là những nhân viên có kiến thức, văn hóa và biết ứng xử. Với những nhân viên ứng xử kém phải chuyển vị trí công tác ngay. “Về nguyên tắc khi đang khám từ 3.000 đồng/người/lần nay tăng lên 20.000 đồng/người/lần thì chắc chắn chất lượng khám phải tốt hơn”- bà Tiến khẳng định.
Cải thiện chất lượng: Luẩn quẩn
Với quyết tâm thay đổi chất lượng KCB, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), khẳng định các giải pháp nâng cao chất lượng KCB sau khi điều chỉnh giá thu một số dịch vụ y tế sẽ được triển khai mạnh mẽ. Việc cải tiến quy trình KCB, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng và cải tạo khu khám bệnh bảo đảm có đủ ghế ngồi, thoáng mát cho người bệnh chờ đăng ký, chờ khám. Áp dụng phát số tự động, kê đơn qua mạng; hẹn lịch khám qua mạng, qua điện thoại. Bố trí nhân lực khám bệnh vào thời gian cao điểm, cải thiện điều kiện ăn, mặc, ở cho người bệnh, không để người bệnh nằm ghép…
Theo bà Tiến, tình trạng quá tải hiện nay ở các BV tuyến Trung ương và các TP lớn do nhiều yếu tố chứ không riêng gì do viện phí thấp. Tuy nhiên, năm 2012 giảm tải BV sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Y tế phấn đấu giảm 15%-20% tình trạng quá tải ở các BV tuyến Trung ương, TP chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch so với năm 2011.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng quá tải BV là do nhu cầu của người bệnh quá lớn. Để giảm tải BV phải có tiền để đầu tư, chứ chỉ “hô” quyết tâm trong điều kiện ngân sách hạn chế thì rất khó. “BV sẽ giảm tải được nếu đầu tư thỏa đáng nhưng nếu như viện phí còn chưa được tính đúng thu đủ, lương bác sĩ còn thấp, còn tình trạng nợ lương thì hiếm có nhân viên y tế nào có thể yên tâm làm việc” – ông Quyết giãi bày.
Bộ trưởng đối thoại trực tuyến về tăng viện phí
10 giờ hôm nay (16-3), tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân về giá dịch vụ y tế. Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời trực tuyến những chất vấn của nhân dân sau cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra hồi tháng 1-2012. Nội dung của buổi trực tuyến lần này xoay quanh vấn đề điều chỉnh giá 447 dịch vụ y tế sẽ áp dụng từ ngày 15-4 tới. Đồng thời sẽ làm cho người dân hiểu rõ sự cần thiết và mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc diện chính sách và hỗ trợ người nghèo KCB, lợi ích khi tham gia BHYT… |
Bình luận (0)