Ngoài thuế, tính ra người sử dụng ô tô, xe máy nước ta phải gồng mình gánh gần chục loại phí khác nhau. Từ ngày 1-6 tới, người sử dụng ô tô và xe máy còn phải chịu phí bảo trì đường bộ. Sắp tới còn có thể là phí vào nội ô giờ cao điểm và loại phí “khủng” tới cả chục triệu đồng/năm với ô tô là phí lưu hành.
Đúng là nghịch lý khi thu nhập của người dân nước ta thấp mà phải trả giá quá cao cho việc sử dụng ô tô và xe máy - hai loại phương tiện giao thông cá nhân thiết yếu, thậm chí còn là “cần câu cơm” đối với không ít người. Thế nhưng, nghịch lý này có “cái lý” của nó. Đó là đánh thuế, thu phí thật cao để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều với mật độ dày đặc ở khu vực trung tâm hạn hẹp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn giao thông, vốn đã trở thành vấn nạn lớn ở nước ta, đặc biệt là ở 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM. Chính vì thế mà những quan chức lãnh trọng trách về giao thông nước nhà đã cam kết trước Quốc hội sẽ giải quyết vấn đề này. Tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển số, phí trông giữ xe... và sắp tới là phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành được xem như là biện pháp để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đẩy các loại thuế và phí lên mức cao chót vót mà chưa giảm rõ rệt phương tiện giao thông cá nhân tại nước ta thì không loại trừ chúng còn được đẩy lên cao hơn nữa, cũng như có thêm nhiều loại phí “anh em” khác. Cứ với cái đà “đánh mạnh vào túi tiền” như vậy thì có lẽ chẳng mấy chốc là có thể xoa tay hài lòng tuyên bố rằng đã sớm giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
Thế nhưng, hãy đứng từ phía người sử dụng phương tiện để đặt câu hỏi: “Nhanh thế, nên không?”. Ai cũng thấy tắc nghẽn giao thông là một quá trình dài, trong đó trách nhiệm trước hết là của cơ quan quản lý Nhà nước, do quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị có vấn đề hay hệ thống giao thông công cộng quá yếu kém. Không phải đa số người dân thích sử dụng phương tiện giao thông cá nhân mà họ buộc phải làm vậy vì giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Vì thế, giải quyết vấn đề có quá trình tích tụ lâu dài như tắc nghẽn giao thông cũng cần phải có thời gian và tính tới lợi ích của người dân. Hạn chế giao thông cá nhân cần có lộ trình thích hợp nhiều mặt đi kèm quy hoạch lại đô thị và phát triển hạ tầng giao thông công cộng... Dùng biện pháp kinh tế dạng “sốc” cũng khó hạn chế được nhu cầu đi lại bức thiết của người dân, có chăng chỉ làm cho cuộc sống của họ thêm khó khăn mà thôi.
Bình luận (0)