Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ tại Sở GD-ĐT TPHCM
Chỉ tiêu tăng chóng mặt
Những trường có chỉ tiêu tăng vọt so với năm 2011 gồm: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (từ 2.450 lên 4.800 chỉ tiêu, tăng 2.350), ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (từ 3.900 lên 5.600 chỉ tiêu, tăng 1.700; riêng hệ CĐ tăng 1.400), ĐH Tài chính – Marketing (từ 2.800 lên 4.000 chỉ tiêu, tăng 1.200; riêng hệ ĐH tăng 1.000), ĐH Hoa Sen (từ 2.060 lên 2.760 chỉ tiêu, tăng 700), ĐH Công nghiệp TPHCM (từ 8.500 lên 10.000 chỉ tiêu, tăng 1.500).
Các trường CĐ cũng tăng chỉ tiêu chóng mặt. Trong đó, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn từ 1.500 tăng lên đến 3.000 chỉ tiêu, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam từ 750 lên 1.500 chỉ tiêu...
Điều đáng nói là nhiều trường chưa đáp ứng điều kiện thành lập và bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành nhưng vẫn tiếp tục tăng chỉ tiêu. Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Trãi, dù bị đình chỉ 2 ngành học nhưng vẫn tuyển 1.100 chỉ tiêu (tăng 800). Tương tự, Trường ĐH Lương Thế Vinh bị đình chỉ 4 ngành nhưng vẫn tuyển 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH (chỉ giảm 100), Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị đình chỉ 2 ngành vẫn tuyển 1.200 chỉ tiêu (giảm 200)...
Có theo tiêu chí?
Theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN của Bộ GD-ÐT, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30 (đối với các nhóm trường khác như y-dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao: hệ ĐH 10, CĐ 15). Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một sinh viên không thấp hơn 2 m2.
Tuy nhiên, các trường có xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên những tiêu chí này một cách chính xác không? Theo kết luận của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra cam kết thành lập trường năm 2011, nhiều trường chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Trong đó, Trường ĐH Tài chính Marketing có 9.343 sinh viên nhưng chỉ có 184 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn (tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn là 50,8). Tỉ lệ ở Trường ĐH Hoa Sen là 38,6 (7.400 - 192), Trường ĐH Chu Văn An 33,5 (2.577 - 77), Trường ĐH Hòa Bình 46,5 (3.233 - 90)...
Nhiều trường chưa có diện tích sàn xây dựng, cơ sở hoàn toàn phải thuê mướn, như ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An... Nhiều trường diện tích sàn xây dựng chưa đạt so với quy định, như: ĐH Hoa Sen (0,8 m²/sinh viên), ĐH Tài chính Marketing (1,07 m²), ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (1,44 m²), ĐH Lương Thế Vinh (1,77 m²)...
Như vậy, trong thời điểm mà Bộ GD-ĐT kiểm tra (tháng 12-2011), nhiều trường ĐH vẫn chưa đạt các tiêu chí như quy định nhưng chỉ sau một thời gian ngắn vẫn tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Kẽ hở tự đăng ký?
Một chuyên gia về giáo dục ĐH phân tích nguyên nhân nhiều trường tăng chỉ tiêu “khủng” có thể do các năm trước Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu không đúng năng lực của các trường hoặc do các trường có sự phát triển vượt bậc về đội ngũ, cơ sở vật chất. Song, nếu các năm trước, Bộ GD-ĐT xác định không đúng chỉ tiêu so với năng lực đào tạo thì các trường đã khiếu nại. Lý do thứ 2 càng khó thực tế, bởi chỉ trong vài tháng thì làm sao các trường trên cùng địa bàn có thể đồng loạt phát triển đội ngũ “khủng” như vậy?
4 trường chấm dứt tuyển sinh ngành đã đình chỉ Sau khi Báo Người Lao Động ngày 12-3 đăng bài “Bị đình chỉ, vẫn tuyển” phản ánh việc một số trường ĐH vẫn công khai tuyển sinh các ngành đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi 4 trường: ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Lương Thế Vinh và ĐH Chu Văn An, yêu cầu rà soát, chấm dứt ngay việc thông báo tuyển sinh dưới mọi hình thức đối với những ngành bị đình chỉ. Bộ GD-ĐT cũng đưa danh sách 12 ngành học bị đình chỉ của 4 trường ĐH nêu trên lên trang web thông tin tuyển sinh của bộ để thí sinh biết và không đăng ký dự thi hoặc xét tuyển vào các ngành học này. |
Bình luận (0)