Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới hai miền Triều Tiên vào chủ nhật tới trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân ở Seoul - Hàn Quốc.
Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đóng quân ở nước này. Về mặt kỹ thuật, quan hệ hai miền Nam Bắc Triều Tiên được xem là vẫn còn chiến tranh bởi cuộc xung đột 3 năm giữa hai bên đã kết thúc trong tình trạng ngừng bắn vào năm 1953 nhưng không có một hiệp ước hòa bình nào được ký. Mỹ đã đóng quân tại Hàn Quốc kể từ đó. Với chiều rộng 4 km, DMZ gần như là khu vực được bố phòng cẩn mật không đâu bằng, thậm chí cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton mô tả nó là “nơi kinh khủng nhất trên trái đất” khi ông thăm địa điểm này vào những năm 1990.
Ông Obama, người được trông chờ tiếp tục gia tăng sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, cũng sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trước khi cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu ngày 26-3. Theo đài BBC, hội nghị an ninh hạt nhân 3 ngày thu hút hơn 53 nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế. Hội nghị sẽ bàn tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa khủng bố hạt nhân, trong đó vấn đề phóng tên lửa của Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Iran sẽ chiếm vị trí đáng kể trong nghị trình. Theo kế hoạch, ông Obama cũng sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và nhiều khả năng sẽ thúc giục nhà lãnh đạo Trung Quốc dùng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các cuộc thương lượng hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Thông báo của Triều Tiên hồi tuần trước rằng nước này sẽ phóng một tên lửa mang vệ tinh để đánh dấu 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vào tháng 4 đã vấp phải làn sóng chỉ trích rộng khắp. Động thái đó bị xem là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được thông qua sau một vụ phóng tương tự năm 2009. “Khiêu khích nghiêm trọng” là từ dùng của Hàn Quốc để nói về vụ phóng tên lửa vào tháng tới, trong khi Nhật Bản muốn Triều Tiên “hủy bỏ cuộc thử nghiệm”. Từ chỗ đặc biệt quan ngại về vụ thử tên lửa năm 2009, Nhật bản cho rằng kế hoạch của Triều Tiên sẽ “cản trở nỗ lực chung hướng đến đối thoại”.
Mới tháng trước, Bình Nhưỡng đã đồng ý ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa như một phần của thỏa thuận với Mỹ để nhận lại 240.000 tấn lương thực. Phía Mỹ lưu ý rằng việc phóng tên lửa theo kế hoạch có thể phá vỡ thỏa thuận và ảnh hưởng đến việc nối lại viện trợ thực phẩm.
Trong một diễn biến mới nhất, hãng tin AP cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka nói Nhật có thể triển khai tên lửa đánh chặn trước khi Triều Tiên phóng tên lửa và không loại trừ khả năng bắn hạ tên lửa đó nếu nó vi phạm không phận Nhật.
Triều Tiên chỉ trích hội nghị Triều Tiên hôm 21-3 đã chỉ trích mạnh mẽ hội nghị thượng đỉnh Seoul vào ngày 26 và 27-3 tới, nói rằng bất cứ nỗ lực nào của Hàn Quốc nhằm hướng dư luận vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ được xem là tuyên chiến. Trước đó, Triều Tiên tỏ ra phẫn nộ về sự tập hợp ngoại giao lớn chưa từng có ở Hàn Quốc, coi đây như một “trò khôi hài nhạt nhẽo” . Hãng tin AFP dẫn bình luận của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA: “Nếu có bất cứ hành động khiêu khích nào, như đưa ra cái gọi là tuyên bố bày tỏ quan ngại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên tại hội nghị Seoul thì đó sẽ là điều cực kỳ xúc phạm đối với các nhà lãnh đạo quá cố vốn mong ước phi hạt nhân hóa”. |
Bình luận (0)