Một anh bạn đồng nghiệp của tôi xòe những tờ bạc mới lãnh thưởng săm soi rồi buột miệng: “Sao cứ đè đầu tui mà thu?”
Hiện nay, do tình hình khó khăn chung, công ty vận động công nhân chia sẻ bằng cách “mỗi người làm việc bằng hai”. Vì miếng cơm manh áo, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận dù sau mỗi ngày làm việc, về đến nhà toàn thân rời rã, tâm trí u mê, cơm nước chẳng màng. Làm như vậy, tính ra thu nhập cũng chỉ được 5-6 triệu đồng mỗi tháng.
Với số tiền đó, trừ đi tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền ăn và bao nhiêu thứ linh tinh khác, sống một mình đã chật vật. Nói chật vật là vì chúng tôi còn cả một gánh nặng sau lưng: nào cha mẹ già, em dại ở quê. Rồi còn phải dành dụm để phòng khi đau ốm. Thế mà lãnh lương ra, đã bị cắt phăng phần thuế thu nhập cá nhân của khoản tiền lương trên 4 triệu đồng. Xót lắm vì đó là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả những tủi nhục của phận làm thuê.
Đó là mới nói người độc thân. Còn anh bạn đồng nghiệp của tôi có gia đình gồm một vợ, hai con, một mẹ già và đứa em còn đi học. Họ sống chui rúc trong căn phòng trọ 10m2 ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức – TPHCM. Cả nhà ăn uống đạm bạc, ngày nào cũng rau luộc, nước tương, đậu hủ; hai đứa con đứa 8 tuổi, đứa 2 tuổi cũng xanh rớt vì thiếu dinh dưỡng; bà mẹ già ngày càng quắt queo.
Nhưng điều đáng nói là, hai vợ chồng anh cũng thuộc hàng phải đóng thuế thu nhập cá nhân vì tháng nào anh chị cũng đăng ký tăng ca gần 200 giờ. Anh bạn tôi than thở: “Mỗi ngày tụi tôi phải làm việc đến 14 tiếng đồng hồ, kiếm thêm được chút tiền phụ cấp tăng ca để mua sữa cho con nhưng những đồng tiền này cũng bị đè ra đóng thuế thu nhập cá nhân. Thật quá bất công”.
Đúng là quá bất công khi mới đây chúng tôi lại thấy báo chí thông tin giáo viên có thu nhập tiền tỉ. Tôi dám chắc, những khoản thu nhập ấy chẳng phải đóng 1 xu tiền thuế thu nhập cá nhân nào vì Nhà nước có quản lý được đâu?
Nói ra thì có vẻ so bì nhưng thực tế cần phải như thế. Nếu không thì sẽ rất bất công.
Bình luận (0)