xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao bà Diệu Hiền vỡ nợ?

Duy Nhân

LTS: Chuyện thành bại trên thương trường là lẽ thường với người kinh doanh. Song qua câu chuyện 16 năm “chơi xộp, mau xẹp” của bà Diệu Hiền, người ta còn nhận ra những điều đáng nói khác, nhất là nỗi thống khổ của những chủ nợ nông dân tán gia bại sản vì tin lời đường mật của bà.

Trống giong cờ mở, “nổ” vang trời

Khởi nghiệp tại Sóc Trăng với nghề kinh doanh gỗ, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), nhanh chóng trở thành một trong những “đại gia” hàng đầu ở ĐBSCL và cũng nhanh chóng trở thành một trong những con nợ lớn nhất vùng này

img
Dự án Bình An Palace tại đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận - TPHCM đang bị ngưng trệ. Ảnh: Tấn Thạnh

Bà Phạm Thị Diệu Hiền sinh năm 1961, tại Hậu Giang. Học hết lớp 12, bà xin vào làm kế toán cho Công ty XNK tỉnh Hậu Giang và học thêm khóa kế toán trưởng ở Trường Cao đẳng Ngoại thương. Sau khi lấy chồng, bà Hiền nghỉ làm việc Nhà nước và chuyển sang kinh doanh gỗ với địa bàn chính là từ Tây Nguyên đến TPHCM, Hậu Giang. Năm 1996, bà Hiền thành lập DNTN Diệu Hiền tại Sóc Trăng và bắt đầu chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Bà mua 10 ha đất sình lầy để xây dựng Khu Văn hóa du lịch Bình An, khu du lịch sinh thái đầu tiên ở ĐBSCL.

Thổi phồng tên tuổi

Năm 2003, bà Hiền rời Sóc Trăng theo chồng về Cần Thơ. Tại vùng đất mới, bà thành lập Công ty TNHH Xây dựng thương mại Diệu Hiền. Lúc này, cơ hội hiếm hoi đã mở ra với bà khi Cần Thơ có quy hoạch mở khu đô thị mới kết hợp KCN Nam Cần Thơ, bà liền lập dự án xây dựng khu văn hóa du lịch sinh thái. Với dự án này, bà Diệu Hiền lấy được hàng chục hecta đất của nông dân với giá đền bù rẻ mạt. Khi có đủ điều kiện pháp lý và các thủ tục hồ sơ cho khu đất đã nâng hạng đất đô thị, bà dễ dàng vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi do dự án xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Sau đó, bà xin chuyển dự án này thành khu dân cư đô thị và phân lô bán nền, thu lợi nhuận khổng lồ.

Làm ăn khấm khá, bà Diệu Hiền tiếp tục vay tiền ngân hàng để lao vào đầu tư kinh doanh địa ốc. Năm 2005, nữ doanh nhân Diệu Hiền thành lập Bianfishco chuyên chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu. Dù công ty mới thành lập, hiệu quả chẳng bao nhiêu, song bằng nhiều cách quảng bá rất kêu, từ năm 2006, bà đã nhận cúp Bông hồng vàng Việt Nam.

Năm 2011, bà Hiền lại khiến nhiều người kinh ngạc khi tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất nước uống collagen hoành tráng và trước đó xây dựng viện nghiên cứu thủy sản tư nhân lớn nhất Việt Nam mang tên Bình An. Cùng năm, bà tiếp tục nhận cúp Bông hồng vàng thứ 4 trong sự nghiệp kinh doanh. Năm 2012, trong khi Bianfishco đang khó khăn, nông dân giăng biển đòi tiền cá thì đám cưới con trai của bà Hiền lại gây xôn xao dư luận. Bất chấp nợ nần, bà vẫn tổ chức đám cưới linh đình cho con trai với dàn siêu xe và sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ. Câu chuyện về siêu đám cưới chưa kịp lắng dịu thì ngày 23-2 vừa qua, bà Hiền lại đột ngột ra nước ngoài với lý do đi chữa bệnh và chưa rõ ngày trở về.

Kiếm “thóc” để vay “gạo”

Trước khi bà Hiền vỡ nợ, nhiều người còn nghĩ bà buông khu du lịch Bình An để tập trung cho những dự án kinh doanh lớn  hơn là nghĩ tới việc bà đã “đốt” bao nhiêu tiền vào dự án này. Theo giới kinh doanh ở Sóc Trăng, thời điểm đầu tư khu du lịch Bình An, bà Hiền đã khá giàu có nhưng không phải nhờ vào việc kinh doanh… mà nhờ đầu cơ đất. Do đó, việc bà Hiền vỡ nợ cũng không nằm ngoài dự đoán của một số người bởi cách làm phô trương, ôm đồm mà không mang lại giá trị thực.
img
Khu Văn hóa du lịch Bình An (Sóc Trăng) vắng khách. Ảnh: Duy Nhân

Có một câu chuyện bà Hiền “thật thà” kể lại, song cũng chính nó cho thấy một phần bản tính “liều mạng” của bà. Đó là những ngày tập tễnh kinh doanh gỗ bị thất bại, tài sản bị trộm vơ sạch, trong nhà chỉ còn vài chiếc lọ pha lê. Lúc bấy giờ, bà ám ảnh câu “muốn vay gạo thì phải có thóc” và quyết định “chơi ván cuối cùng”. Bà nhặt mấy chiếc bình pha lê còn sót lại đem bán được 700.000 đồng và thêm 1 triệu đồng vừa đòi nợ được, ra cửa hiệu mua bông tai, nhẫn, dây chuyền… giả mạ vàng, một bộ quần áo đẹp, son môi và một giỏ bánh kẹo về vùng quê Chợ Gạo - Tiền Giang. Nhìn bộ dạng “Việt kiều” của bà Hiền, bà con lối xóm xúm xít hỏi thăm. Bà chia quà cho mọi người, rồi biếu tiền cho mấy người thân... Qua cung cách tiêu tiền và cư xử của bà, mọi người tin rằng bà đang “ăn nên làm ra”. Và chỉ trong một ngày, bà con lối xóm đã cho bà vay 11 cây vàng, trả lãi theo năm. Nhờ đó mà bà Hiền dần đổi đời.

Không biết những lời bà Hiền kể có đúng sự thật hay không nhưng người dân huyện Long Mỹ - Hậu Giang vẫn không quên được gia cảnh của bà. Nhà nghèo, phải buôn gánh bán bưng để kiếm cơm ngày hai bữa. Đùng một cái, tên tuổi Diệu Hiền nổi như cồn ở ĐBSCL với hàng loạt sáng kiến “giúp nông dân đổi đời”. Còn nhớ, chỉ trước một ngày tổ chức đám cưới cho con trai, bà Hiền luôn miệng nói không có tiền trả nợ tiền cá cho nông dân. Tuy nhiên, hôm rước dâu, bà đã tổ chức một đoàn siêu xe diễu hành khắp TP Cần Thơ như trêu ngươi các chủ nợ. Nhìn cách chơi trội trong hoàn cảnh này của bà chủ Bianfishco, nhiều chủ nợ của bà bỗng giật mình nhớ câu “muốn vay gạo thì phải có thóc” do chính miệng bà thốt ra. Rồi họ tự hỏi liệu lần này bà Hiền có quyết định “chơi ván cuối cùng” nữa hay không?
Sưu tập danh hiệu, giải thưởng
Tiếp tục các chiêu đánh bóng tên tuổi, được các phương tiện truyền thông “ca ngợi”, bà Diệu Hiền liên tiếp nhận các danh hiệu như: giải “Chất lượng hoàn hảo và thành tích tiêu biểu” ở Đức, giải “Bạch kim quốc tế về chất lượng” tại Thụy Sĩ, giải thưởng hàng đầu về chất lượng toàn cầu, do tổ chức Business Intiative Directions trao tặng tại New York (Mỹ), giải “Cúp mạnh bạch kim về công nghệ cho chất lượng thương hiệu mạnh” tại Ý, giải “Cam kết chất lượng toàn cầu - World Quality Commitment” tại Pháp, cúp Bông hồng vàng Việt Nam nhiều năm. Từ năm 2006, bà Hiền được biết đến nhiều hơn với việc làm từ thiện cùng số tiền được công bố tới hàng tỉ đồng.

Bianfishco vòng vo việc trả nợ cho nông dân

Ngày 22-3, tổ kiểm tra tình hình nợ tại Bianfishco do UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với đại diện của công ty này cùng 41 hộ dân nuôi cá để đối chiếu nợ giữa các bên và tìm phương án giải quyết. Tại buổi làm việc, nhiều hộ yêu cầu Bianfishco trả lời dứt khoát khi nào trả nợ vì công ty đã hứa hẹn nhiều lần. Tuy nhiên, ông Trần Văn Trí, người được bà Phạm Thị Diệu Hiền ủy quyền làm tổng giám đốc Bianfishco, lại vòng vo, hẹn cuối tháng 3 sẽ mời từng hộ đến làm cam kết trả nợ. Ông Trí cho rằng hiện ông không giải quyết được vấn đề nợ của Bianfishco vì không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty. Do vậy, cần phải chờ giấy ủy quyền của bà Hiền - đang nắm giữ 50% cổ phần của Bianfishco - từ Mỹ gửi về, trên cơ sở đó sẽ tiến hành đại hội cổ đông, xác định người có thẩm quyền giải quyết theo pháp luật mọi vấn đề của công ty.
C.Linh

Kỳ tới: Năng lực nhỏ, tham vọng lớn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo