Lạc quan là vậy nhưng nếu hỏi nông dân được gì thì câu trả lời sẽ vô cùng chát đắng. Thử tính: Một hộ ở ĐBSCL trồng 1 ha lúa, làm 2 vụ/năm, đạt năng suất 10-12 tấn, trong đó chi phí 50%, chỉ còn lại 6 tấn, nếu giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg thì 1 năm kiếm được 30 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng hộ đó chỉ được 2,5 triệu đồng, trung bình một gia đình có 5 nhân khẩu (thực tế nhiều hơn) thì chỉ được 500.000 đồng/tháng/người, thuộc hộ nghèo. Gặp phải hộ có con ăn học hay ốm đau, bệnh tật, vật giá leo thang thì nông dân không nghèo mới lạ!
Vậy lợi tức từ lúa gạo chảy vào đâu? Còn ai khác ngoài các công ty kinh doanh lúa gạo với đủ đòn phép thương trường để tối đa hóa lợi nhuận, biết “chạy” chính sách và thường thừa cơ bán phá giá để hưởng lợi. Có năm, nông dân khóc ròng vì lúa ứ đọng, phải bán tháo thì không ít công ty lương thực lớn công bố mức lãi hàng ngàn tỉ đồng. Gặp khi xuất khẩu gạo thuận lợi, các công ty ấy chắc chắn sẽ thu nhiều hơn, còn thu nhập của nông dân thì vẫn cứ bấp bênh.
Rõ ràng, lợi nhuận từ xuất khẩu gạo chưa được phân bổ công bằng. Người trồng lúa một nắng hai sương xứng đáng được hưởng lợi tức thỏa đáng chứ không phải cứ may nhờ rủi chịu như trước nay. Làm giàu nhờ nông dân là vậy, thế mà chưa thấy công ty thành viên nào trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam sát cánh cùng người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giữ giá mua ổn định, chăm lo đầu ra cho hạt lúa; ngược lại, cứ chực chờ ép giá ân nhân của mình!
Một khi lợi ích không được chia sẻ công bằng, danh vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa. Không hy vọng gì ở thương nhân, người trồng lúa chỉ còn biết trông chờ Nhà nước nghĩ đến họ nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo thu mua lúa gạo tạm trữ hằng năm.
Bình luận (0)