Sáng 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật Công đoàn (CĐ - sửa đổi).
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến về một số nội dung lớn của dự án Luật CĐ (sửa đổi), trong đó tập trung vào 4 vấn đề: Địa vị pháp lý của CĐ, quyền gia nhập và hoạt động CĐ của lao động là người nước ngoài; hệ thống tổ chức, tên gọi của các cấp CĐ và vấn đề tài chính CĐ.
Với quan điểm “đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ là chức năng bẩm sinh của CĐ”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị điều 1 dự thảo Luật CĐ chỉnh sửa theo hướng: CĐ là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động (NLĐ) tự nguyện lập ra, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. CĐ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và NLĐ; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN); tuyên truyền, vận động NLĐ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo ông Phan Trung Lý, về vấn đề tài chính CĐ, đa số các ý kiến đồng tình với dự thảo luật trình QH về nguồn thu của CĐ bao gồm cả kinh phí do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Bởi đây là nguồn kinh phí quan trọng nhằm bảo đảm để CĐ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cũng bày tỏ sự đồng tình với việc các DN phải có trách nhiệm nộp kinh phí CĐ như dự thảo luật. “Hơn 50 năm qua, nguồn 2% kinh phí CĐ đang phát huy tốt tác dụng trong việc bảo đảm điều kiện cho CĐ tổ chức các hoạt động. Đề nghị không nên thay đổi mức trích nộp mà nên thừa nhận vì nó đã đi vào cuộc sống rồi” - ông Giàu khẳng định.
Ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị những quy định về vấn đề tài chính CĐ cần thực hiện theo đề nghị của Ban Soạn thảo. Theo đó, điều 26: Tài chính CĐ gồm các nguồn thu sau: Đoàn phí CĐ do đoàn viên đóng hằng tháng theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam; kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ; ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của CĐ; thu từ các đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức CĐ quốc tế; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hoặc được sửa đổi theo phương án: Tài chính CĐ gồm các nguồn thu sau: Đoàn phí CĐ do đoàn viên đóng hằng tháng theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam; kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ; ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của CĐ; thu từ các đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức CĐ quốc tế; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Bình luận (0)