Ngày 23-3, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả kiểm nghiệm (do Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm TPHCM thực hiện) đối với hàng tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi bị nghi ngờ chứa chất cấm mà cơ quan chức năng Đồng Nai đã tịch thu trong thời gian qua.
Lấy mẫu kiểm nghiệm tại một lò mổ ở TP Biên Hòa – Đồng Nai
Qua kiểm tra, Công ty TNHH DV Nông nghiệp Thiên Hương Phát (huyện Trảng Bom) đã vi phạm các lỗi: sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc sai nội dung đăng ký kinh doanh, vi phạm về điều kiện sản xuất, sản phẩm do công ty sản xuất không công bố chất lượng; Công ty TNHH Nhân Lộc (huyện Vĩnh Cửu) vi phạm các lỗi: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định; hàng hóa (nguyên liệu) của công ty đã hết hạn sử dụng, số lượng 175 kg; sản xuất thức ăn chăn nuôi có hàm lượng, định lượng không đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp công bố, số lượng 96 gói (1 kg/gói).
Cả 3 công ty đều đang bị Chi cục QLTT đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, niêm phong hàng hóa vi phạm chờ xử lý theo quy định.
Ngay sau khi danh sách công ty sản xuất thức ăn độn chất cấm được công bố, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai kiến nghị nên xử lý hình sự người đứng đầu công ty này vì đã gây tổn thất nặng nề cho họ và gây thiệt hại sức khỏe người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai cho hay việc xử lý các công ty sản xuất thức ăn có chất cấm đang gặp khó khăn vì một số chất cấm trong ngành thú y lại không thuộc danh mục hàng cấm có thể xử lý hình sự.
Dự kiến tuần sau, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế để chuẩn bị nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh tình trạng chất cấm hoành hành ở Đồng Nai. Về kế hoạch “tẩy rửa” chất cấm, theo lãnh đạo Chi cục Thú y Đồng Nai, bên cạnh việc tuyên truyền, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ buộc tất cả các cơ sở, đơn vị liên quan đến chăn nuôi, tiêu thụ heo cam kết không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và tiêu thụ chất cấm.
Về cách nhận diện heo tạo nạc, theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai: Heo tạo nạc có nạc sát da hoặc lớp mỡ giữa da và nạc dưới 1 cm. Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Đồng Nai, cũng cho biết heo nhiều thịt, chất lượng cao thì tỉ lệ nạc cũng chỉ khoảng trên dưới 60% thịt, trong khi heo tạo nạc thì nạc đến sát da. |
BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Sẽ xem xét lại trách nhiệm Cục Chăn nuôi, Cục Thú y Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Nai đã nhận có sai sót khi để người dân trên địa bàn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo nhưng đến nay, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y… vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết ngay sau sự việc được phát hiện, bộ đã có văn bản chấn chỉnh toàn quốc về vấn đề này, trong đó có Cục Chăn nuôi, Cục Thú ý và các cơ quan chức năng trực thuộc. Theo ông Cao Đức Phát, hiện bộ đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc cùng các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát để loại bỏ việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, hiện bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt một số địa phương có nhiều người kinh doanh sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu để tăng cường việc kiểm soát. “Tới đây, khi tình trạng vi phạm này được đẩy lùi thì sẽ tính tiếp việc xem xét lại trách nhiệm các bên và chấn chỉnh lại” – ông Phát nói. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định sự việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm để tạo nạc bị phát hiện ở Đồng Nai không phải là một sự cố mà là câu chuyện diễn ra trong nhiều năm và tình hình sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi đang diễn biến hết sức nguy hiểm. Theo ông Phát, kiểm soát chất lượng các loại nông sản, thực phẩm là vấn đề lớn, đang được cả xã hội quan tâm.
Vì vậy, từ nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đang cố gắng xây dựng và ban hành nhiều văn bản luật pháp làm cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Mặt khác, phải tăng cường quản lý nông sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và cùng với địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trên phạm vi toàn quốc. Song ông Phát cũng thừa nhận cần phải nỗ lực cao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.
B.Trân |
Bình luận (0)