Không cần tuồng, cứ mỗi bài 10 triệu đồng
Nếu trước đây người cầm chầu ở sân đình mỗi mùa cúng kỳ yên gõ nhịp trống khen phạt nghệ sĩ qua cảm nhận dở hay từ câu ca, điệu hát thì ngày nay ở các mùa chầu đại lễ, tiếng trống chầu không còn nữa mà thay vào đó là những chiếc quạt kẹp tiền ném liên tục lên sàn diễn. Thường một sô cúng đình do đại gia về làng “vinh quy bái tổ” có giá trọn gói từ 50 triệu đến 80 triệu đồng gồm âm thanh, ánh sáng, phông màn, trướng gấm, dàn nhạc, hậu đài, phục trang...
Khi đã chếnh choáng hơi men, “đại gia” này vào hậu trường đề nghị các nghệ sĩ trong vở Phụng Nghi Đình không cần hát theo tuồng, biết hát bài nhạc nào thì lên hát, mỗi bài sẽ được thưởng 10 triệu đồng. Một số nghệ sĩ từ chối, số còn lại cứ thế đếm tiền khi ca 60 năm cuộc đời, Túp lều lý tưởng, Nắng có còn xuân… dù đang hóa trang nhân vật Đổng Trác, Quan Tư Đồ, Lý Nhu, Lữ Bố… vở tuồng khép lại giữa chừng, ngôi sao được thưởng hậu hĩ, chỉ có những nghệ sĩ tự trọng với nghề thì ngồi bó gối một góc sân đình.
Những chuyện không tử tế
Một đại gia phất lên nhờ mua bán đất một thời bao trọn gánh hát xuống Long Xuyên (An Giang) biểu diễn. Mê làm nghệ sĩ nên đại gia này xin được hát lớp Cao Quân Bảo quỳ xin tội Lão Thái Quân (bà nội của nhân vật Cao Quân Bảo) trong vở Thập tứ nữ anh hào. Nhưng vì không biết ca nên phải nhờ một nam nghệ sĩ thu sẵn tiếng, đến khi Cao Quân Bảo cất giọng thì bấm MD để phát tiếng hát. Không ngờ, người bấm đĩa đã bấm nhầm, thay vì Cao Quân Bảo ca, lúc đó Mộc Quế Anh cất giọng. Quê với bà con khán giả đến xem hát, đại gia này đập phá cảnh trí, sỉ nhục bầu đoàn nghệ sĩ, vì đã bỏ hơn 150 triệu đồng để được một lần làm nghệ sĩ nhưng không thành.
Thực tế, việc đi hát cho đại gia còn có những chuyện chẳng tử tế như nghệ sĩ ngôi sao hét giá và ăn chặn tiền của anh em trong đoàn. Việc giật mối, giành sô đã làm cho tình đồng nghiệp tổn thương. Giềng mối đạo đức bị phá vỡ, văn hóa ứng xử càng kém đi đối với một số ngôi sao dựa hơi đại gia để sát phạt đồng nghiệp.
Mới đây, trong một sô hát cúng đình cho đại gia ở Long An, hai nghệ sĩ thiếu đường choảng nhau, đại gia đã mời nghệ sĩ A làm bầu nhưng vì số tiền cát sê bị kê lên quá cao, hơn 80 triệu đồng nên giờ chót, nghệ sĩ B chơi trò phỗng tay trên, chỉ nhận với giá 50 triệu đồng. Thay cho sự thuyết phục về mặt chất lượng nghệ thuật, một bên sẵn sàng ngăn cản những diễn viên trẻ tham gia hát dàn bao cho sô ăn “bớt lương” này, một bên thì kêu các diễn viên ở các đoàn tỉnh với giá rẻ bèo để “tinh gọn” cho đỡ kinh phí.
Người đứng giữa là những diễn viên trẻ chịu nhiều thiệt thòi, vì họ phải lo mọi thứ từ ráp sân khấu, làm vệ sinh cho đến biểu diễn, giặt ủi phục trang… nhưng chỉ lãnh vài trăm ngàn đồng cho một ngày làm việc. Nạn ngôi sao khi nhận thầu kê giá trên trời nhưng chi thù lao cho anh em quá thấp cũng là điều tệ hại khiến nghệ sĩ nhìn nhau trong sự khinh rẻ.
Biến dạng văn hóa truyền thống
Điều khiến cho dư luận trong giới sân khấu quan tâm đó là việc cấp phép biểu diễn tại các chương trình hát cúng đình, cầu yên do một số nghệ sĩ ngôi sao tự phát đứng ra tổ chức dưới sự chi tiền của đại gia. Chất lượng nghệ thuật từ các sô diễn này thường tạp nhạp, không lường trước bởi sự nhố nhăng, bôi bác của các nghệ sĩ chỉ cốt chiều lòng đại gia. Với suy nghĩ diễn miễn phí cho người dân ở địa phương nên khâu hậu kiểm không được cơ quan quản lý tiến hành đúng theo quy trình. Các nghệ sĩ cho rằng hát cúng đình không bao giờ bị kiểm tra và cứ thế, những hoạt động biểu diễn không tử tế nơi sân đình do các đại gia chi phối đã làm cho không gian văn hóa truyền thống mang tính tôn nghiêm bị ám màu đen tối. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-3
Bình luận (0)