Theo tiến sĩ Dung, trước mắt Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải có biện pháp chống thấm để giảm ngay lượng nước thấm vào thân đập, hoàn thành trước mùa lũ 2012 thì mới cho tích nước tiếp.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang phát điện tối đa để hạ mực nước, lấy diện tích bề mặt để dán vật liệu chống thấm, tăng cường khả năng chống thấm của lớp bêtông bên ngoài. Mục tiêu phải rút nước ra ngoài thân đập để khôi phục, sửa chữa màng thu trong thân đập.
"Nếu việc xử lý vết rò chưa xong thì chúng tôi cương quyết không cho tích nước hồ chứa", ông Dung nói. EVN cũng thống nhất phương án mời chuyên gia giàu kinh nghiệm xử lý dứt điểm hiện tượng rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ năm nay. Theo Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, hiện tại đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn kể cả sau khi có một số trận động đất kích thích.
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội đập lớn Việt Nam đề nghị chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 dùng máy siêu âm dò hiện đại phát hiện các vết nứt, rò đập để xử lý triệt để. Theo ông Giang, việc nứt đập thủy điện như Sông Tranh 2 là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Năm 2009 đập thủy điện Sơn La trong lúc thi công chưa hoàn thiện đã từng xuất hiện vết nứt theo chiều dọc.
"Tuy nhiên lúc ấy do thủy điện Sơn La chưa tích nước nên việc xử lý đơn giản hơn nhiều so với khắc phục các điểm nứt, rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2 bây giờ", ông Giang cho biết.
òn Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện vật lý địa cầu cũng khẳng định từ trước đến nay ở Việt Nam chưa có tiền lệ đập thủy điện xây dựng công nghệ đầm lăn hiện đại đã qua nghiệm thu, tích nước lòng hồ, lại nứt, rò rỉ nước nguy hiểm như đập thủy điện Sông Tranh 2.
"Vấn đề cấp bách bây giờ không phải ở chuyện chỉ trích lỗi thiết kế hay thi công giữa các bên, mà Nhà nước, chủ đầu tư cùng các chuyên gia, nhà khoa học cùng xắn tay tìm giải pháp hữu hiệu xử lý ngay các vết nứt, rò rỉ ấy để bảo đảm an toàn đập", ông Triều đề nghị.
Bình luận (0)