Khu nhà được xây dựng kiên cố và được người dân dọn về sinh sống ổn định nhiều năm nay đang bị tranh chấp
Mỏi mòn chờ hợp thức hóa
Ngoài ông Tâm, trước đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Băng Tuyền và Phan Thị Quyên cũng mua nhà với hợp đồng giấy tay và chờ ông Sáu hợp thức hóa giấy tờ. “Thế nhưng, hết thời hạn vẫn chưa thấy gì, chúng tôi nhiều lần tìm đến nhà hỏi thì ông Sáu tìm cách né tránh” - ông Tâm cho biết.
Thấy sự việc không ổn, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại hành vi bội tín của ông Sáu gửi UBND xã và huyện. Khi vụ việc chưa được giải quyết thì năm 2007, ông Sáu bị Công an huyện Nhà Bè bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cuối năm 2007, TAND huyện Nhà Bè tuyên phạt ông Sáu 7 năm tù. Đến cuối năm 2009, các hộ dân khởi kiện ông Sáu tại TAND huyện Nhà Bè vì hành vi bội tín. “Dù chúng tôi đã đóng án phí và làm theo các yêu cầu của tòa nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - ông Tâm lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ nhà số 550/6 Huỳnh Tấn Phát, cho biết trong lúc các hộ dân đang chờ vụ việc được xét xử thì bỗng nhiên mới đây, ngày 9-3, họ nhận được thư triệu tập của TAND huyện Nhà Bè để xét xử việc tranh chấp đòi tài sản của nguyên đơn N.T.P.E. “Chúng tôi rất hoang mang vì sau khi mua nhà đã dọn về đây sinh sống ổn định hơn 6 năm. Chúng tôi đã trả tiền đầy đủ cho ông Sáu nhưng nay không hiểu sao lại bị đòi nhà. Giữa ông Sáu và bà E. có quan hệ mua bán gì, chúng tôi không hề biết” – bà Hạnh bức xúc.
Riêng bà Phan Thị Quyên, trong lúc chờ bán nhà cũ tại quận 8 để dọn ra 2 căn nhà mới ở huyện Nhà Bè, bà khóa cửa 2 căn này thì bị ai đó đến thay ổ khóa và sử dụng đến nay. Bà Quyên đã khiếu nại vụ việc khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Lòng vòng mua bán
Theo văn bản của cơ quan điều tra, khu đất nêu trên vốn do bà Nguyễn Thị Bích Nga đứng tên. Tháng 11-2004, ông Sáu môi giới cho ông Nguyễn Văn Lâm lập hợp đồng giấy tay mua khu đất của bà Nga với giá 662 triệu đồng, ông Lâm đặt cọc cho bà Nga 300 triệu đồng. Đến ngày 21-12-2004, ông Sáu và ông Lâm đến gặp bà Nga để hủy hợp đồng, chuyển sang bà N.T.P.E. Cùng ngày, bà Nga lập hợp đồng mua bán với bà E.
Tiếp đó, bà E. lập hợp đồng xây dựng nhà ở với ông Sáu tại khu đất mới mua. Bà E. giao cho ông Sáu xây 4 căn nhà liên kế theo giấy phép được cấp và ông nhận của bà 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Sáu đã xây 6 căn, lố 2 căn và bán cho các hộ dân, nhận tổng cộng 2,84 tỉ đồng nhưng không thông báo cho bà E. biết.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, do ông Sáu và bà E. hợp đồng mua đất và xây dựng không rõ ràng nên không đủ chứng cứ chứng minh ông này lừa đảo. Vụ việc sau đó được chuyển sang giải quyết dân sự. Hiện các hộ dân và bà E. vẫn phải chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Địa phương phải có trách nhiệm Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, dù luật pháp quy định việc mua bán nhà đất phải được xác lập bằng hợp đồng công chứng nhưng những người mua bằng giấy tờ tay thường là người nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật, có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Bị lừa gạt, từ chỗ là nạn nhân, họ trở thành bị đơn. “Đây là một sự bất công mà các nhà làm luật phải sớm nghiên cứu điều chỉnh. Qua vụ việc này, tôi cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, tức UBND xã. Không thể tin được trong cùng một thửa đất, người ta xin cấp phép và xây dựng nhà, mua đi bán lại qua nhiều người mà chính quyền địa phương không hề hay biết” - luật sư Hải nhìn nhận. |
Bình luận (0)