Bà Trương Thị Tâm, ở quận Bình Thạnh - TPHCM, than: Nghe thông tin giá gà, giá heo giảm mạnh từ cả tháng nay nhưng khi ra chợ lại thấy thứ gì cũng có giá cao như hồi Tết. “Hàng đầy chợ, người mua không đông như mọi khi nhưng sao giá cứ “neo” ở mức cao mãi. Thật không hiểu nổi”- bà Tâm bức xúc.
Trung gian ăn hết
Ghi nhận thực tế cho thấy giá đầu nguồn và giá bán lẻ tại các chợ đang có mức cách biệt rất vô lý. Trong khi giá heo hơi tại các trại chăn nuôi khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… tính ra đã giảm cả chục ngàn đồng/kg so với hồi đầu năm (hiện còn khoảng 42.000 đồng - 44.000 đồng/kg) thì giá thịt heo tại chợ Thái Bình (quận 1) vẫn từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg (thịt ba rọi), còn sườn non 120.000 đồng - 130.000 đồng/kg, thịt đùi nạc 98.000 đồng- 110.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy Thực phẩm D&F Đồng Nai, cho biết một con heo 100 kg sau khi giết mổ sẽ còn khoảng 75 kg thịt heo mảnh (chưa kể đầu, lòng). “Đành rằng giá thịt bán lẻ là thịt đã pha lóc, phân loại nhưng với giá bán cả trăm ngàn đồng/kg như hiện nay là quá bất hợp lý”- ông Phương quả quyết.
Chi tiết hơn, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp thực phẩm tại TPHCM thông tin: Trường hợp giá heo hơi trên 40.000 đồng/kg thì giá thịt xô bán sỉ chỉ cần cộng thêm 12.000 đồng/kg là đã có lãi. Với giá bán lẻ phải cộng tiếp thêm 3.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán thịt xô trên thị trường chỉ dao động từ 57.000 đồng - 61.000 đồng/kg là hợp lý.
Theo giới kinh doanh, mức chênh lệch này một phần do hao hụt nhưng chủ yếu do qua nhiều tầng nấc trung gian và hiện tượng làm giá để thu lợi nhuận.
Các mặt hàng rau củ tại chợ lẻ cũng có mức chênh lệch khá cao so với chợ sỉ. Chẳng hạn: Giá cà chua ở chợ sỉ 7.000 đồng, dưa leo 10.000 đồng nhưng khi ra chợ lẻ giá vọt lên 15.000 đồng/kg – 17.000 đồng/kg; bầu bí 6.000 đồng/kg (chợ lẻ 12.000 đồng), bắp cải 3.500 đồng/kg (chợ lẻ từ 8.000 đồng), khổ qua 4.000 đồng/kg (chợ lẻ 13.000 đồng)…
Người chăn nuôi lãnh đủ
Theo tính toán từ các trại chăn nuôi, hiện giá thành chăn nuôi gà tam hoàng lên đến 39.000 đồng - 40.000 đồng/kg, gà công nghiệp 32.000 đồng - 33.000 đồng/kg. Với giá bán ra hiện nay, họ đang bị lỗ từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/con.
Ông Nguyễn Thành Trung, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết từ đầu năm đến nay, ông bị lỗ triền miên do giá gà giảm nhiều hơn tăng. Đợt xuất chuồng trong tháng vừa qua, ông bị lỗ hơn 3 tỉ đồng. “Mức lỗ này chỉ mới tính trên chi phí con giống, thức ăn… còn lãi vay ngân hàng, chi phí quản lý chưa tính”- ông Trung bức xúc.
Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến thức ăn gia súc Kim Long (Bình Dương), cũng cho hay dù công ty ông sản xuất theo kiểu khép kín từ sản xuất con giống cho đến sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi… nhưng với giá bán heo hiện nay, công ty ông vẫn bị lỗ nặng. Do đó, sau đợt bán lứa heo hơn 6.000 con vừa qua, công ty ông đã phải tạm thời ngưng nuôi heo thịt.
Nhiều hộ chăn nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam Bộ cũng bức xúc là không thể phát triển được đàn heo bởi không cầm cự nổi mức lỗ kéo dài trong nhiều tháng qua…
Theo giới kinh doanh, sở dĩ giá heo, gà thời gian qua giảm liên tục là do tình hình dịch cúm gia cầm, sức tiêu thụ giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, thương lái Trung Quốc cũng không còn mua heo của Việt Nam cộng với gần đây có thêm thông tin người chăn nuôi sử dụng chất cấm để tăng trọng, tạo nạc cho heo gây hoang mang cho người tiêu dùng, kéo sức tiêu thụ mặt hàng này giảm khoảng 20%.
Giảm bớt các khâu trung gian TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho biết: Thực phẩm là mặt hàng do cung cầu quyết định nên Nhà nước khó có thể can thiệp bằng biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, để giải quyết mức giá chênh lệch quá cao đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống thì các TP lớn như TPHCM, Hà Nội cần phải có các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở khu vực thuận lợi để người dân thuận tiện đến mua sắm, tiểu thương ở chợ lẻ đến lấy hàng nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường mạng lưới phân phối, giảm bớt các khâu trung gian. |
Bình luận (0)