Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ Trung Quốc lưu ý đến những thông tin này. “Chúng tôi cho rằng mọi quốc gia cần xem xét các vấn đề chống tên lửa một cách thận trọng, với quan điểm duy trì ổn định chiến lược trên toàn cầu và tăng cường lòng tin lẫn nhau, cũng như đạt được sự ổn định an ninh quốc tế thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị” – ông Hồng Lỗi nói.
Binh sĩ trên tàu USS Higgins, một trong 18 tàu khu trục Mỹ có hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis. Ảnh: Reuters
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo do Cục Phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc đồng tổ chức, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chiến lược toàn cầu Madelyn Creedon cho biết Mỹ đang xem xét xây dựng lá chắn chống tên lửa đạn đạo ở châu Á và Trung Đông nhằm đối phó với Iran và Triều Tiên, đồng thời bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa có thể xảy ra trong tương lai.
Bà Creedon cho hay Mỹ xúc tiến thiết lập các hệ thống phòng thủ mới, trong đó có bộ đôi đối thoại ba bên, gồm Mỹ - Nhật Bản – Úc và Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Theo trang Global Research, từ năm 2008 Mỹ đã cùng Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn) mà hiện hải quân Hàn Quốc đang sử dụng. Hải quân hoàng gia Úc cũng đã chọn hệ thống Aegis cho chương trình quân sự Air warfare destroyer (tàu khu trục phòng không).
Còn tại Trung Đông, Washington sẽ “tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin” về phòng thủ tên lửa với các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Ả Rập Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Oman.
Các quốc gia trong GCC hiện đều có quan hệ hợp tác quân sự song phương với Mỹ và đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng. Washington đang thúc đẩy các nước vùng Vịnh lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung để đối phó với tên lửa hành trình tầm thấp, bắn từ cự ly gần.
Vẫn theo bà Creedon, các lá chắn tên lửa ở châu Á và Trung Đông sẽ theo mô hình mẫu lá chắn tên lửa mà Washington đang thiết lập tại châu Âu. Mô hình này gồm tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Romania, hệ thống radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và triển khai tàu khu trục Aegis có trang bị tên lửa đánh chặn ở Tây Ban Nha.
Như vậy, sau hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu khiến Nga phản ứng dữ dội, các lá chắn mới tại châu Á chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “không ngồi yên”.
Trước đây, vào tháng 10-2010, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích “các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bao vây Trung Quốc”. Việc Mỹ bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá 6,5 tỉ USD, trong đó có 200 tên lửa đánh chặn Patriot hiện đại, vào đầu năm 2010 là một phần trong chiến lược này.
Bình luận (0)