Gần đến ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, dư luận xã hội lại xôn xao với những dự báo, đoán định về diễn biến phiên tòa, nhưng theo chiều hướng… không mấy hy vọng.
Cũng như nhiều bạn đọc theo dõi diễn biến vụ việc, chúng tôi - những đồng nghiệp của anh Hoàng Hùng - không thể bứt ra khỏi trạng thái ngờ vực. Một số bạn đọc nói rằng nếu đây không phải là vụ án về nhà báo Hoàng Hùng thì mọi chuyện chắc đã khép lại lâu rồi! Chúng tôi thấu hiểu suy nghĩ (có phần chua chát) này và chính vì thế lại càng trông mong vào một phiên tòa kết thúc có hậu để trả lại công lý không chỉ cho vong linh anh Hoàng Hùng, cho người thân của anh, cho sự kêu đòi của dư luận mà quan trọng hơn, tạo niềm tin tương lai cho tất cả những ai rơi vào nghịch cảnh dù họ đứng ở đâu trên bậc thang xã hội.
Người thân, đồng nghiệp viếng mộ Nhà báo Hoàng Hùng nhân giỗ đầu của anh
Đấu tranh vì lẽ phải và sự công bằng luôn là động lực thôi thúc những người cầm bút có lương tâm, thế nhưng, để học và thực hành lời dạy “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của cụ Nguyễn Đình Chiểu lại là một cuộc chiến cam go, đôi khi đơn độc!
Trong giai đoạn hiện nay, những người làm báo không chỉ học cách nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết, tính xông pha mà còn phải biết cách tự bảo vệ và không ngừng mài sắc ngòi bút vì nghĩa vụ đối với xã hội. Hơn nữa, trong một xã hội phát triển sôi động và phát sinh cả không ít thói hư tật xấu, những người cầm bút càng phải tỉnh táo để cùng ngăn chặn cái “quái thai” mà nhà triết học khai sáng Pháp Montesquieu đã nhìn thấy từ rất sớm, ngay giữa thế kỷ XVIII: “Khi tiền bạc vào tòa, công lý sẽ đội mũ đi ra”. “Tiền bạc” ở đây có nội hàm rộng, nó còn được diễn dịch là “quyền lực”. Mặt khác, cán cân công lý còn có thể bị xô lệch bởi sự “kém cỏi”, “nỗi sợ” và “trái tim băng giá”…
Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”. Ở đây, có thể hiểu phụng công là hết lòng vì lẽ công bằng, đề cao công lý.
Đại diện BBT, Công đoàn Báo Người Lao Động thăm và tặng quà cho mẹ Nhà báo Hoàng Hùng
Thủ pháp là giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì bất cứ lý do gì mà uốn cong, làm trái pháp luật; trong khi chí công, vô tư lại là hai tiêu chuẩn không thể thiếu để tạo nên phẩm hạnh của người cầm cân nẩy mực. Rồi 2 năm sau, tại Hội nghị Cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại căn dặn cán bộ tư pháp phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, bởi lẽ “giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”...
Có thể phiên tòa sẽ kết thúc trong nỗi thất vọng đã được báo trước của nhiều người. Đến lúc ấy, dư luận chắc là không còn gì để nói nữa, bởi họ đã nói quá nhiều rồi và tất cả đều rơi vào sa mạc. Nhưng im lặng trong hoàn cảnh đó mới thật là đáng sợ, bởi nó đồng nghĩa với sự quay lưng!
Liệu phiên tòa ngày 29-3 có diễn ra đúng với phương châm quân pháp bất vị thân hay ít ra với tinh thần “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”?
Bình luận (0)