Sáng sớm nay (30-3) người thân và bạn bè của gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) cùng hàng trăm người dân đã đổ về TAND tỉnh Bắc Giang, nơi xét cử phúc thẩm Lê Văn Luyện - sát thủ đã gây ra vụ thảm sát được đánh giá là “dã man, tàn bạo chưa từng có”.
6 giờ 30 phút: Người thân và bạn bè của gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích là anh Trịnh Thành Ngọc và chị Đinh Thị Chín (chủ tiệm vàng Ngọc Bích) cùng hàng trăm người dân đã đổ về TAND tỉnh Bắc Giang. Những tấm băngrôn về hình ảnh bé Trịnh Ngọc Bích, nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ thảm sát tiệm vàng ở phố Sàn, được người nhà mang theo.
Để đảm bảo an ninh, trật tự cho phiên tòa, Công an tỉnh Bắc Giang đã tăng cường lực lượng nhằm thắt chặt công tác an ninh. Ngoài khoảng 100 cảnh sát bảo đảm an ninh vòng ngoài, chốt chặn các tuyến đường chính dẫn đến TAND tỉnh, hàng rào thép đã được dựng lên để chắn 2 đầu phố Hoàng Văn Thụ, nơi đặt trụ sở tòa án tỉnh.
Những người dân đi qua khu vực này đều không rời mắt khỏi những tấm băngrôn của gia đình nạn nhân vụ thảm sát.
8 giờ 20 phút: HĐXX gồm 3 người do ông Nguyễn Đức Nhận - thẩm phán TAND Tối cao - làm chủ toạn bắt đầu làm việc. Lê Văn Luyện và các bị cáo được dẫn trở lại phòng xử án.
10 giờ 10 phút: Tòa thẩm vấn các bị cáo là thân nhân của Luyện. Bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) biện minh rằng che giấu Luyện và cất giấu vàng là do “không hiểu biết pháp luật và thương con”. Nghe lời khai của bố Luyện, nhiều người dân đứng ngoài sân tòa nghe qua hệ thống phát thanh nói: “Không hiểu pháp luật hay vì tham vàng nên đem đi chôn giấu".
11 giờ: Kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo, tòa chuyển sang phần trình bày của gia đình bị hại. Đại diện gia đình bị hại – ông Đinh Văn Hương (anh trai chị Đinh Thị Chín, chủ tiệm vàng) – cho rằng những nghi vấn cho thấy lời khai của Luyện tại cơ quan điều tra là bất hợp lý
Gia đình bị hại cũng đề nghị cho gia đình xin lại chiếc thẻ nhớ camera để làm rõ nhiều tình tiết không rõ ràng. Một vấn đề nữa là các chứng từ của tiệm vàng gia đình không hề nhận được bản gốc. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường Cơ quan chức năng cũng không báo cho gia đình hoặc luật sư biết để đến tham dự.
Đại diện gia đình bị hại đánh giá vụ án còn quá nhiều khuất tất mà phía gia đình bị hại nghi ngờ cơ quan điều tra đã cố tình không làm rõ. Gia đình nạn nhân yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Đồng thời, gia đình bị hai cũng yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án, trong đó có việc bị cáo Luyện mô tả chi tiết các hành động dã man của mình, xem liệu với một mình Luyện có thể gây nên một loạt các hành động tàn độc như vậy hay không. Người nhà bị hại cũng đề nghị trong buổi dựng hiện trường đó phải có sự tham gia của gia đình bị hại, đại diện luật sư và các cơ quan chức năng
Nhiều người thân gia đình bị hại thắc mắc: “Tại sao cơ quan điều tra không đếm số lượng vàng và chỉ đếm số nhẫn, như vậy là đánh đồng trọng lượng và số lượng?”.
Hơn nữa, trong biên bản kiểm đếm, Cơ quan điều tra ghi 199 chiếc nhẫn, nhưng khi trả lại lại có 223 chiếc nhẫn. “Tại sao lại có sự nhầm lẫn đến vài chục chiếc nhẫn như vậy? Tại sao trong số vàng cơ quan điều tra trả lại có quá nửa là vàng Tây?”, phía gia đình nạn nhân đặt hàng loạt câu hỏi.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng không đồng ý với nội dung các trong đơn kháng cáo của bị cáo.
Vị đại diện Viện Kiểm sát cho biết, có 2 lời khai của cháu Trịnh Thị Bích (con gái chủ tiệm vàng Ngọc Bích và là nạn nhân cũng như nhân chứng duy nhất sống sót trong vụ thảm sát này) về việc có 2 đối tượng tham gia gây án.
“Tuy nhiên, cháu Bích cũng khai khi đó trời tối nên nhìn không rõ. Khi cho nhìn lại ảnh thì cháu cũng không nhìn ra được. Lời khai của cháu Bích lúc đó không thể hiện đang đứng ở đâu? Nhìn thấy đối tượng trong hoàn cảnh nào?”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết thêm sau đó, cháu Bích có khai lại khi bị đối tượng chém thì có cảm giác bên ngoài có một đối tượng khác. “Trong khi đó lời khai của bị cáo Luyện từ đầu tới cuối luôn chỉ thể hiện có một mình Luyện tham gia sát hại gia đình cháu Bích. Án sơ thẩm xác định không có đồng phạm tham gia cùng Luyện trong việc sát hại gia đình cháu Bích”, đại viện Viện Kiểm sát “chốt” lại.
Trước những yêu cầu nâng mức bồi thường của gia đình bị hại, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tòa sơ thẩm đã căn cứ vào quy định của pháp luật để đưa ra mức bồi thường. Tổng cộng số tiền Luyện phải bồi thường là hơn 310 triệu đồng. Ngoài ra, tòa cũng buộc bị cáo nuôi dưỡng cháu Bích nuôi dưỡng cháu Bích 1.500.000 đồng/tháng đến khi cháu Bích đủ 18 tuổi.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng mức bồi thường như vậy cơ bản là phù hợp, tuy nhiên cũng có khoản thấp như việc Luyện gây ra thương tật cho cháu Bích là rất cao, mức bồi thường cho cháu Bích khi ra viện chỉ 225 triệu đồng là chưa phù hợp.
Sau khi Chủ tọa phiên tòa tuyên kết thúc phiên tòa buổi sáng và lực lượng chức năng tiến hành áp giải Lê Văn Luyện và các bị cáo về nơi tạm giam, nhiều người thân trong gia đình bị hại đã tỏ thái độ bức xúc, chửi bới và nhảy vào đòi đánh Luyện.
13 giờ 40 phút: Phiên toà phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện và các bị cáo là thân nhân của Luyện do ông Nguyễn Đức Nhận - thẩm phán TAND Tối cao - làm Chủ toạ bắt đầu trở lại tại TAND tỉnh Bắc Giang.
Trong phần tranh luận bắt đầu tại tòa, luật sư Nguyễn Bá Ngọc (bào chữa cho Luyện) cho rằng các bản án được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm là hợp lý. Theo luật sư, hành vi của bị cáo có xuất phát từ lối sống không lành mạnh.
Luật sư Lê Sơn (bào chữa cho các bị cáo Lược, Hợp, Hồng, Định, Nghi) cho rằng các bị cáo do không hiểu biết pháp luật nên mới hành động như vậy.
Trong khi các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo, gia đình bị hại bức xúc, la ó. Vị chủ tọa đã phải nhắc nhở, đó chỉ là quan điểm riêng của luật sư, còn việc quyết định thế nào đều do HĐXX đưa ra.
14 giờ 10 phút: Bào chữa cho phía gia đình bị hại, luật sư Phạm Thanh Huỳnh cho rằng, trong bản án sơ thẩm hành vi giết người của Luyện đã "bỏ sót" nhiều chi tiết. "Bị cáo Luyện ngoài cướp tài sản, giết 3 người, còn gây tổn hại hơn 60% sức khoẻ cho cháu Bích. Cần phải tuyên Luyện 3 tình tiết trên kịch khung", luật sư Huỳnh đề nghị.
"Chúng tôi đã đến hiện trường và thấy nhà nạn nhân lắp 3 camera và chắc chắn khi phạm tội hình ảnh của Luyện đã được thu vào camera đó. Nhưng đến thời điểm này tại sao lại chưa công bố một hình ảnh nào của bị cáo Luyện đã được camera thu lại", luật sư Huỳnh thắc mắc.
15 giờ: Được chủ tọa phiên tòa cho phát biểu, ông Trịnh Văn Tín (ông nội cháu Bích) đã dẫn ra hàng loạt vấn đề và khẳng định các cấp điều tra, xét xử sơ thẩm đã không nhắc tới.
"Tôi đã viết đơn, phân tích cụ thể về những vấn đề này và sẽ gửi tới các đồng chí lãnh đạo trung ương để xem xét vụ việc. Luyện có thể không chết nhưng các cấp xét xử không thể lấy lý do nào khác để biện hộ cho mình nếu để lọt đồng phạm với Luyện", ông Tín tỏ ra bức xúc.
"Tên Luyện có ba đầu sáu tay cũng khó mà một mình thực hiện được những hành động tàn độc, sát hại nhiều người như thế", ông Tín không tin một mình Luyện có thể ra tay trong vụ thảm sát.
15 giờ 30 phút: Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, các bản án mà phiên sơ thẩm tuyên cho các bị cáo Miên, Lược, Hồng, Hợp... là chính xác có căn cứ, dù các bị cáo không phải là người trực tiếp tham gia vụ án.
Khi Viện Kiểm sát cho rằng vết thương “lạ” hình móng ngựa trên người anh Ngọc chứ không phải trên người chị Chín thì ngay lập tức nhiều người nhà nạn nhân ào ào phản đối. “Chúng tôi từng tắm cho em Chín, tại sao lại nói vết thương trên người em Ngọc", người nhà chị Chín ngồi phía dưới nói vọng lên.
Luật sư Phạm Thanh Huỳnh cũng giữ nguyên quan điểm về vết thương “lạ” hình móng ngựa trên người chị Chín và đề nghị làm rõ cơ chế tạo nên chúng.
Các bị cáo khác cũng mong muốn tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
17 giờ 20 phút: HĐXX phiên phúc thẩm tuyên y án như phiên sơ thẩm. Theo đó, Lê Văn Luyện bị tuyên phạt tổng cộng 18 năm tù (mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên) với 3 tội danh “giết người”, “cướp của” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Lê Văn Miên 48 tháng tù, Trương Thanh Hồng 30 tháng tù, Lê Thành Nghi 15 tháng tù, Lê Thị Định 15 tháng về tội "che giấu tội phạm"; 2 bị cáo Trương Văn Hợp 12 tháng tù, Dương Thị Lược 9 tháng tù về tội "không tố giác tội phạm".
Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên Luyện phải bồi thường cho cháu Bích thêm 30 triệu đồng, nâng tổng số tiền mà sát thủ này phải bồi thường chữa trị các vết thương cho nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích lên 340 triệu đồng.
HĐXX cho rằng những yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và điều tra lại xem Luyện có đồng phạm hay không là chưa đủ căn cứ. Theo HĐXX, việc điều tra của cơ quan điều tra và xét xử của phiên sơ thẩm đều dựa trên các căn cứ xác đàng, đúng pháp luật.
Khi HĐXX đang tuyên án, nhiều người thân trong gia đình bị hại đã đồng loạt đứng dậy bỏ tòa ra về trong nỗi bức xúc.
Chủ tọa phiên tòa nói, nếu luật sư và đại diện gia đình bị hại thấy còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, mức bồi thường chưa thỏa đáng, khác biệt trong biên bản và thực tế số vàng trả lại gia đình bị hại… có thể liên hệ với cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát và TAND tỉnh Bắc Giang để tiếp tục làm rõ.
Kết thúc phiên phúc thẩm, Lê Văn Luyện được hàng rào cảnh sát đông đảo áp giải ra xe đặc chủng về trại giam trong sự phẫn nộ, uất ức của thân nhân gia đình nạn nhân.
“Luyện nói thuê nhà nghỉ cả mà lại không làm rõ đó là nhà nghỉ nào? Tại sao Luyện lại có thể nắm rõ tường tận ngôi nhà như vậy khi tại cơ quan công an nó khai đi xe buýt về qua phố Sàn thấy tiệm vàng Ngọc Bích giàu nên quyết định cướp? Trong bản cáo trạng, Luyện khai trước khi đột nhập cướp tiệm vàng có đi cùng một người bạn để mua dao, vậy đó là ai?....” - ông Sinh đặt nghi vấn.
Người nhà ông Sinh cũng cho biết số vàng thu được sau khi bắt được Luyện có trộn lẫn vàng ta và vàng tây. Tuy nhiên tại hiện trường sau khi vụ án xảy ra, tủ vàng tây vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có tủ vàng ta bị đập vỡ kính. Luyện gây án ở tầng hai nhưng cả 3 nhà vệ sinh ở 3 tầng của tòa nhà đều có vết máu.
Ông Sinh cho biết tới giờ phía gia đình, họ hàng nhà Luyện chưa có một lời xin lỗi nào đối với gia đình bị hại.
Ông Huỳnh cho biết đến thời điểm này cháu Bích vẫn cho biết nhìn thấy 2 hung thủ cùng tham gia gây án. Mặc dù phía luật sư rất muốn cháu Bích xuất hiện làm chứng tại phiên tòa nhưng ông Sinh cho biết điều này là không thể.
“Lời khai của cháu công an đã lấy hết rồi. Việc bây giờ là làm sáng tỏ những mâu thuẫn trong lời khai và hành động của Luyện. Cháu Bích vẫn đang ở nhà người thân trong miền
Hơn 2 tháng trước, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm trong 2 ngày 10 và 11-1 xét xử Lê Văn Luyện với 3 tội danh “giết người", "cướp tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; 6 bị can khác là thân nhân của Luyện, gồm: Lê Văn Miên (bố Luyện); Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện), Lê Thành Nghi (chú rể của Luyện) và Lê Thị Định (cô của Luyện) bị xét xử với tội danh “Che dấu tội phạm”; Trương Văn Hợp (bố của Trương Thanh Hồng) và Dương Thị Lược (vợ Hợp) bị xét xử với tội danh “Không tố giác tội phạm”.
Theo HĐXX phiên sơ thẩm, hồ sơ vụ án, kết quả khám nghiệm cho thấy không có cơ sở xác định Luyện có đồng phạm. Lời khai của Luyện về việc đột nhập tiệm vàng trùng với kết quả thực nghiệm hiện trường. Các vết chém trên người 4 nạn nhân khi khám nghiệm cũng khớp với lời khai hung thủ.
Với những phân tích trên, HĐXX cho rằng cáo trạng truy tố Luyện về 3 tội danh là có cơ sở. Luyện bị phạt 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt Luyện bị tuyên 18 năm tù (mức án cao nhất dành cho người phạm tội chưa thành niên).
6 bị cáo còn lại là thân nhân của Luyện bị tuyên phạt từ 9 đến 48 tháng tù với 2 tội danh “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm”.
Dã man, tàn bạo chưa từng có
Theo cáo trạng truy tố Lê Văn Luyện và 5 bị can liên quan, vào rạng sáng 24-8-2011, lợi dụng đêm mưa gió, Lê Văn Luyện đã đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) mang theo dao với mục đích cướp của.
Tại đây, Luyện đã ra tay sát hại dã man vợ chồng chủ tiệm vàng là anh Trịnh Thành Ngọc (37 tuổi), chị Đinh Thị Chín (35 tuổi) và cháu Trịnh Thị Thảo (18 tháng tuổi); chém đứt bàn tay phải cùng nhiều nhát khác lên người cháu Trịnh Thị Bích (8 tuổi). Sau khi gây ra vụ thảm sát, Luyện xuống tầng 1 cướp đi một lượng vàng lớn. Số tang vật vụ án sau này được thu giữ bao gồm 231 nhẫn, 67 dây chuyền, 13 vòng tay, 4 kiềng cổ, 5 mặt đá có bọc kim loại màu vàng,… 1 điện thoại Nokia 3110 cũ. Tổng giá trị ước tính khoảng 1,3 tỉ đồng. Ngoài Lê Văn Luyện bị đưa ra xét xử với 3 tội danh: “giết người", "cướp tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; 6 bị can khác là thân nhân của Luyện, gồm: Lê Văn Miên (bố Luyện); Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện), Lê Thành Nghi (chú rể của Luyện) và Lê Thị Định (cô của Luyện) bị xét xử với tội danh “Che dấu tội phạm”; Trương Văn Hợp (bố của Trương Thanh Hồng) và Dương Thị Lược (vợ Hợp) bị xét xử với tội danh “Không tố giác tội phạm”. Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Lê Văn Luyện bị tuyên phạt tổng cộng 18 năm tù (mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên) với 3 tội danh “giết người”, “cướp của” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Lê Văn Miên 48 tháng tù, Trương Thanh Hồng 30 tháng tù, Lê Thành Nghi 15 tháng tù, Lê Thị Định 15 tháng về tội "che giấu tội phạm"; 2 bị cáo Trương Văn Hợp 12 tháng tù, Dương Thị Lược 9 tháng tù về tội "không tố giác tội phạm".
|
Bình luận (0)