xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cựu Chủ tịch Vinashin lãnh 20 năm tù

Nguyễn Quyết

(NLĐO)-Với những sai phạm trong 3 dự án: mua tàu Hoa sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân và xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng gây thiệt hàng trăm tỉ đồng, nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên phạt 20 năm tù. 8 bị cáo khác chịu từ 19 đến 3 năm tù.

Đúng 18 giờ ngày 30- 3, mức án đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên đối với 9 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Bản tuyên án của với các tội danh của 9 bị cáo kéo dài tới 2 giờ.

 

Cụ thể, mức án của các bị cáo như sau: Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin, chịu mức án  20 năm tù. Phạm Thanh Bình đã có những sai phạm trong 3 dự án: Mua tàu Hoa sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân; xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

 

img
Phạm Thanh Bình (đứng giữa) chịu mức án nặng nhất trong 9 bị cáo với 20 năm tù - Ảnh: TTXVN
 

Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin, bị 19 năm tù về tội cố ý làm trái. Trần Văn Liêm đã cùng Phạm Thanh Bình mua tàu Hoa Sen, gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.

 

Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, bị 18 năm tù vì đã mua nhà máy nhiệt điện chạy dầu diesel cũ, lắp tại Cái Lân, ký nhận bàn giao khi dự án chưa hoàn thành.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh, chịu 16 năm tù, vì đã triển khai dự án nhiệt điện Sông Hồng mà không làm thiết kế kỹ thuật xin ý kiến các cơ quan chức năng, làm giả hồ sơ để vay tiền từ Vinashin…

 

Bị cáo Trịnh Thị Hậu, khi phạm tội là Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), 14 năm vì đã giải ngân trái quy định, cho vay không thẩm định dự án nên dẫn đến bên vay không có khả năng thanh toán, nguy cơ mất vốn.

 

Bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc VFC, 13 năm tù vì đã triển khai giải ngân, cho vay không đúng quy định trong dự án mua tàu Hoa Sen.

 

Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu thuộc Vinashin, 11 năm tù vì đã bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang trái quy định.

 

Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh, 10 năm tù vì đã tiếp tay cho Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Hoàng Anh triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, làm giả chứng từ vay vốn của Vinashin.

 

Cả 8 bị cáo trên đều bị truy tố theo khoản 3 tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, bị 3 năm về tội sử dụng trái phép tài sản.

 
Trước đó, sau phần đối đáp giữa các luật sư và đại diện Viện kiểm sát, vào 14 giờ 10 phút chiều 30-3, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)  đã cho các bị cáo nói lời cuối cùng.

 

Người đầu tiên, cũng là “sếp lớn” một thời - bị cáo Phạm Thanh Bình - nói: “Quyết tâm vì công nghiệp đóng tàu, tôi đã thực hiện tất cả những công việc trong bối cảnh khó khăn nên có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc “xé rào” làm sai quy định Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào. Mong HĐXX xem xét”.

 

Còn bị cáo Trần Văn Liêm, ngay trong lời nói cuối cùng vẫn đổ lỗi cho cấp trên của mình. “Đối với bản thân tôi khi thực hiện dự án này hoàn toàn theo chỉ đạo, quyết định của tập đoàn. Tôi lãnh đạo, chỉ đạo Viễn Dướng để thực hiện các quyết định của Tập đoàn. Tập đoàn quyết định tất cả các khâu, từ tư vấn đến thực hiện, ký hợp đồng. Bản thân tôi và anh em trong công ty Viễn Dương chưa biết được anh Bình phạm tội. Tôi không ý thức được hành động của chúng tôi theo Tập đoàn dẫn đến phạm tội. Nếu biết, dù có bị kỷ luật tôi cũng chống lại quyết định của Tập đoàn. Thâm tâm của tôi như thế”.

 

Bị cáo Liêm cũng mong HĐXX xem xét cho nguyên nhân vì sao dẫn đến sai phạm như vậy, cho bị cáo được hưởng khoan hồng pháp luật, về với bố mẹ đang rất già yếu ở nhà.

 

Cũng giống như bị cáo Liêm, bị cáo Tô Nghiêm tiếp tục: “Tôi nhận thức rõ hành vi của mình trong việc cùng với lãnh đạo của tôi trong sai phạm này. Trong quá trình xét xử, HĐXX chú ý cho tôi về hoàn cảnh, động cơ khi thực hiện vụ này, không hề có vụ lợi. Mong được xem xét, cho hưởng khoan hồng".

 

Bị cáo Đỗ Đình Côn thì trình bày: Tham gia công ty Hoàng Anh tôi không làm gì gây thiệt hại cho công ty mà chỉ làm theo bổn phận của người đi làm theo hợp đồng. Mong HĐXX xem xét vì tôi không làm trái gì cả.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên: "Trong quá trình thực hiện dự án nhiệt điện Sông Hồng. Tôi chắc rằng những hành vi của tôi, sai phạm của tôi không gây thiệt hại. Tôi mong được hưởng khoan hồng".

 

Từ đầu xét xử cho đến khi nói lời cuối cùng, bị cáo Trịnh Thị Hậu luôn khẳng định không hề có lỗi gì. Bị cáo này cũng xin nói thêm: “Trong các hợp đồng tín dụng VFC cho khách hàng vay vốn, theo Viện Kiểm sát, những người vay vốn bị hại thì VFC có được đòi các đơn vị hoặc xử lý tài sản thu hồi nợ không hay các đơn vị chờ chúng tôi xử lý thiệt hại rồi mới trả. Vì điều này gây thiệt hại cho chúng tôi”.

 

Bị cáo nữ duy nhất cũng xin được khoan hồng vì còn có chồng là thương binh, mẹ già, con nhỏ.

 

3 bị cáo còn lại là bị cáo Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ và Nguyễn Tuấn Dương cũng mong HĐXX cố gắng xét xử công minh vụ án này. “Trong suốt quá trình điều tra, tôi đã khai nhận mọi hành vi của tôi, tôi luôn thấy mình thực hiện với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Mong HĐXX xem xét tất cả các trình bày của tôi, để xử việc của tôi một cách công minh”, bị cáo Dương đề nghị.

 

Đến 14 giờ 20 phút, tòa nghỉ nghị án. Đúng 16 giờ tòa sẽ tuyên.

 
Sáng cùng ngày 30- 3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bước sang ngày thứ tư.

 

Sau phần tranh tụng của các luật sư cũng như diễn biến tại tòa, HĐXX đã hỏi đại diện của nguyên đơn dân sự, là điện của Tập đoàn Vinashin, Các công ty: Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), Viễn Dương, Cái Lân, Nam Triệu, Cửu Long… Bày tỏ ý kiến, đại diện các công ty không có ý kiến gì, đều cho biết, chờ phán quyết quả tòa theo quy định của pháp luật.

 

img
Viện Kiểm sát đau xót về những thiệt hại quá lớn mà các bị cáo đã gây ra - Ảnh TTXVN
 
Đại diện của Công ty Cửu Long thì nói: “Chúng tôi mong đợi sự trở về của ông Dương để giải quyết nhiều dự án đang còn dang dở”. Còn đại diện của VFC đề nghị các khách hàng vẫn trả nợ cho công ty và xem xét giảm tội cho đồng nghiệp.

 

Đến 8 giờ 45, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đã bắt đầu đối đáp với các luật sư. Với giọng chậm rãi song quả quyết, vị này đã dành 1 giờ để phân tích thấu đáo các vấn đề.

 

“Tại phiên tòa hôm nay, TAND triệu tập các nguyên đơn dân sự dù tất cả đều không có đơn. Các nguyên đơn theo danh sách triệu tập còn chưa đến đủ, sau đó tòa phải triệu tập tiếp, đã tương đối đủ các thành phần. Chúng tôi cũng thấy rất buồn, nhiều nguyên đơn dân sự đến cũng không nắm được có lợi hay không có lợi, số nợ bao nhiêu cũng không nắm. Đây là vấn đề cần xem xét lại” - vị đại diện Viện Kiểm sát nói.

 

Vị đại diện Viện Kiểm sát cũng thẳng thắn phân tích: “Tiền trong các dự án này không phải ở trên trời rơi xuống. Từ nguồn của VFC cũng là tiền của Vinashin, là tiền của Nhà nước. Tất cả các món vay đều là tài sản của tập đoàn, trừ những khoản đóng góp riêng của các DN cổ phần. Các nguyên đơn đòi tiền là đòi tài sản cho Nhà nước. Nhưng mọi người nghĩ, đòi cho Nhà nước thì mình có bận gì mà phải đòi”.
 

“Viện Kiểm sát sẽ có ý kiến, kiến nghị Chính phủ xem xét lại cách quản lý tài sản của Nhà nước đối với các DN, nhất là các DN cổ phần. Đây là tài sản của Nhà nước, đương nhiên tòa sẽ đòi lại cho Nhà nước” - đại diện Viện Kiểm sát tiếp lời.

 

Liên quan đến việc các luật sư kiến nghị 2 công văn của Văn phòng chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật nên cần xem xét lại hành động cố ý làm trái của bị cáo Phạm Thanh Bình, Viện Kiểm sát trả lời rằng, các bị cáo bị truy tố về vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế chứ không phải về hành vi vi phạm văn bản pháp luật. Các tập đoàn được ra những văn bản, quyết định nhưng không được trái với quy định của Nhà nước.

 

“Bị cáo Bình nếu có thẩm quyền đóng hay mua, nếu quyết định được thì cần gì phải xin phép? Chính vì không được phép nên mới có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Không có chuyện “hiểu sai” văn bản của Thủ tướng hay hiểu nhầm ở đây” - đại diện Viện Kiểm sát phân tích.

 

Dự án tàu Hoa Sen là dự án hoàn toàn trái với luật pháp, chủ trương của Nhà nước. Bản thân dự án này không được đưa ra bàn trong HĐQT. Ngay cả bị cáo cũng khai rằng, nếu đưa ra trước HĐQT thì có thể không được thông qua. Như vậy, dự án tàu Hoa Sen là ý chí của bị cáo chứ không phải chủ trương của Tập đoàn và trái với chủ trương của Chính phủ, trái với Luật pháp.

 

img
Chỉ riêng thương vụ mua tàu Hoa Sen về để... "thử nghiệm" đã gây thiệt hại gần 470 tỉ đồng
 
Viện Kiểm sát cũng dành thời gian phân tích về thiệt hại trong vụ án này. Kết luận giám định tất cả các dự án đều dựa trên kết quả giám định, điều tra công khai tại phiên tòa. Riêng vụ mua tàu Hoa Sen, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước đầu tư vào dự án ấy, thiệt hại bao nhiêu thì các bị cáo phải chịu bấy nhiêu.  

 

Dự án nhiệt điện sông Hồng cũng là dự án trái luật. Công ty Hoàng Anh trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng vay hơn 200 tỉ với mục đích đóng tàu song không đóng tàu mà đầu tư vào nhiệt điện sông Hồng. Công ty đã mất hơn 20 tỉ để giải phóng mặt bằng nên rất khó thu hồi cho Nhà nước. Các máy móc nhập khẩu về có một số giả mạo giấy tờ để đưa về cho nên “số phận của số máy móc này cũng không hay ho gì, rất khó có khả năng thanh toán”.

 

Dự án Diesel Cái Lân có kế hoạch của HĐQT Vinashin thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt song trong quá trình đầu tư có các hành vi vi phạm. Đó là khi phê duyệt, máy móc mới 100% , đạt tiêu chuẩn Châu Âu nhưng khi nhập về, các bị cáo nhập về thiết bị cũ từ Trung Quốc. Khi nhà máy chưa lắp đặt xong thì công suất không đạt như yêu cầu nên gây ra lỗi cho DN. 

 

Về vụ Bạch Đằng Giang, con tàu đang của Viễn Dương, Nam Triệu đề nghị cải hóa thì tập đoàn mới giao cho quản lý, sử dụng. Khi bán lại không báo với VFC, vì trong hợp đồng thuế chấp ghi rõ không được cầm cố cho người khác, không được tự ý tháo giỡ. Lãnh đạo Nam Triệu là bị cáo Vũ và lãnh đạo VFC ký.

 

“Nam Triệu nói chi cho lợi ích cấp thiết của Nam Triệu nhưng Tập đoàn có lợi ích không, tập đoàn cũng có cấp thiết không? Rõ ràng là có. Lo lợi ích cho DN là tốt, nhưng bên trên lợi ích của DN là lợi ích của tập đoàn. Mẹ mà hết sữa thì con cũng đói”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định. 

 

Kết luận lại về các khoản thiệt hại cho Nhà nước trong vụ này, đại diện Viện Kiểm sát nói: “Tất cả các khoản vay đều có lộ trình trả song các công ty đều chưa trả được đồng nào cho tập đoàn. Nếu tất cả các đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh, vay về đầu tư đúng, không mất khả năng thanh toán thì đâu có chuyện Vinashin bị như hiện nay? Chừng nào chưa hoàn vốn thì còn thiệt hại do phát sinh lãi. Lãi mẹ còn đẻ lãi con, thậm chí lãi cháu, chắt. Các bị cáo là lãnh đạo, quan chức Nhà nước thì phải lường trước hết mọi hậu quả có thể xảy ra với DN, tập đoàn của mình”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo