Nước kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) và khói bụi các cơ sở dệt nhuộm dọc kênh Tham Lương (quận 12) ngày đêm bào mòn hệ hô hấp người dân. Còn nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống kênh Thầy Cai- An Hạ thì tấn công vào “nồi cơm” của những nông dân ngoại thành vì đây là nguồn nước chủ lực phục vụ tưới tiêu khu vực Tây Bắc TP.
Kênh Ba Bò trong nhiều năm qua bị ô nhiễm nặng nề, qua mấy nhiệm kỳ HĐND chất vấn, nhiều lời hứa của cơ quan quản lý sẽ khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì sao vậy? Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, phía TPHCM đã kiếm soát được nguồn xả thải ra kênh Ba Bò vì các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, vấn đề chỉ còn là sự phối hợp với tỉnh Bình Dương.
Nhưng khi Bình Dương xây dựng xong hệ thống xử lý tập trung của các KCN, thậm chí còn lắp đặt các trạm quan trắc tự động các nguồn xả thải ra kênh Ba Bò thì theo đánh giá của người dân mức độ ô nhiễm của dòng kênh đen này vẫn không suy giảm.
Không xác định được “thủ phạm” để xử lý đã đành, xác định được “thủ phạm” cũng không xử lý được. Đó là trường hợp của 35 cơ sở sản xuất trên địa bàn quận 12 xả thải ra kênh Tham Lương, trong đó có nhiều cơ sở đã được người dân “chỉ mặt gọi tên” và cơ quan chức năng bắt quả tang hành vi vi phạm.
Danh tính các cơ sở gây ô nhiễm từ phường, quận đến sở đều nắm được nhưng gần chục năm nay, người dân phường Đông Hưng Thuận vẫn phải hít bụi từ tro hạt điều của các cơ sở dệt nhuộm vì quận chỉ lên sở, sở lại chỉ xuống quận. Chịu hết nổi, mới đây người dân phải đem cây gỗ chắn đường thông thương để các cơ sở này ngưng hoạt động. Thậm chí theo một đại diện điều hành khu phố, có thể xảy ra ẩu đả lớn nếu không được khuyên can kịp thời.
Mới đây, Công ty TNHH MTV quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM (công ty thủy lợi) đã kiểm tra và ghi lại hình ảnh quả tang nhiều cơ sở sản xuất tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi đang “nhuộm màu” hệ thống kênh Thầy Cai- An Hạ bằng nước thải chưa qua xử lý. Những hình ảnh này đã được kèm theo kiến nghị của công ty thủy lợi gửi đến rất nhiều cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương để làm bằng chứng.
Theo một lãnh đạo công ty thủy lợi, họ không có chức năng xử phạt hay cưỡng chế, do vậy để bảo vệ nguồn nước thủy lợi thì chỉ còn cách “vái tứ phương”. Đáng nói đây không phải là lần đầu, công ty thủy lợi “làm giùm” công việc cho các cơ quan chức năng, cho địa phương và cũng chưa có cơ sở để khẳng định đây là lần cuối.
Chẳng lẽ chúng ta phải bó tay với các cơ sở đầu độc môi trường?
Bình luận (0)