xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người có giấc mơ… lên trời!

Bài và ảnh: Như Phú

(NLĐO) - “Tôi muốn chứng minh người Việt cũng có thể chế tạo máy bay như ai. Nếu Nhà nước chấp nhận tôi nguyện đem hết hiểu biết, kinh nghiệm làm máy bay của mình ra phục vụ” – ông Nguyễn Bùi Hiển, người vừa tự chế tạo 1 trực thăng nói.

Ít ai có thể ngờ hơn hai năm qua, trong một cái nhà kho ở Bình Dương, một vật thể bay đang tượng hình từng ngày. Cuối tháng 3 này, cửa nhà kho mở toang, bên là một chiếc trực thăng hình dáng lạ lẫm được đặt tên trực thăng “made in Bùi Hiển”. Kỳ quái và khôi hài nhất ở chiếc trực thăng này có lẽ là chỗ ngồi của “phi công” trong buồng lái. Đó là một chiếc ghế nhựa màu đỏ mà ta có thể bắt gặp ở khắp các quán ốc, quán chè trên vỉa hè. Chỉ khác một điều là chiếc ghế này bị cưa mất 4 chân.

Nước+ đất  = trời!
   
Ông Hiển tiếp nhiên liệu cho trực thăng bằng một cái can nhựa chứa đầy xăng dùng cho xe máy. Sau đó, ông cho trực thăng nổ máy rồi đội nón bảo hiểm ngồi vào buồng lái. Giữa không gian tĩnh lặng của nhà kho, 2 cánh quạt của trực thăng bắt đầu quay rồi kêu rít lên tạo thành những luồng xoáy khiến tôi dựng cả tóc.
 
img
Ông Nguyễn Bùi Hiển bắt đầu từ máy bay mô hình do mình tự chế tạo

Trong phút chốc, chiếc trực thăng rời khỏi mặt đất. Khi nó lên cao một 1 mét, ông Hiển giữ chặt cần điều khiển (như cần số của ô tô) cho trực thăng bay về phía trước.  Dưới chân ông Hiển là hai bàn đạp giúp trực trăng có thể đổi hướng bay sang trái hoặc phải. Hình ảnh chiếc trực thăng quần đảo trong nhà kho cứ như  một con “chim sắt” đã đủ lông cánh chuẩn bị phá tổ để vút bay lên trời. 

Bay được khoảng 2 phút cánh tay của “phi công” Bùi Hiển rướm mồ hôi vì phải liên tục giữ cho trực thăng không bay cao kẻo đụng trần, không tiến xa dễ đụng vách nhà kho sẽ gây họa lớn cho người bay và cả người đang đứng xem phía dưới.
 
img
Ông Hiển tiếp nhiên liệu cho máy bay
 
“Suốt thời gian qua, tôi lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu và lấy cảm hứng từ chiếc trực thăng đơn giản nhất của nước Anh để chế tạo chiếc trực thăng này” – ông Hiển nói. Chiếc trực thăng của ông Hiển có trọng lượng 250 kg, dài 2,950 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m, 2 tầng cánh, độ dài sải cánh 4,520 m. Ông Hiển giới thiệu động cơ của máy bay vốn là dàn máy của canô, còn xích truyền động, bộ vi sai là của ô tô…Trực thăng được tạo thành từ những thiết bị trên bờ, dưới nước như vậy nên nhiều người đùa vui: “Nguyên lý hoạt động của trực thăng “made in Bùi Hiển” là: nước + đất = trời!”.
 
img
Ông Hiển bay lên được với chiếc trực thăng của mình

 

Mong ước cống hiến
   
Cách đây khoảng 5 năm, ở Tây Ninh đã có người “sản xuất” trực thăng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng kết luận trực thăng đó không đủ sức tự nhấc lên khỏi mặt đất. Ông Lê Nguyễn Duy Khang, hiện công tác tại Sở Xây Dựng Bình Dương, cũng là một người chuyên chơi máy bay mô hình, cho hay một trong những điều quan trọng giúp trực thăng Bùi Hiển cất cánh được là do trọng lượng nhẹ, cơ chế truyền động ổn, bộ cánh quạt được thiết kế và lắp đặt phù hợp…

Theo ông Hiển, hai cánh quạt trực thăng của ông làm bằng inox, chất liệu mà cả thế giới chưa ai dùng trong việc này. Ông Hiển khẳng định nếu được ra ngoài bay, con “chim sắt” trị giá chưa tới 200 triệu đồng này có thể đạt độ cao hàng trăm mét, lướt với tốc độ tối đa 200 km/giờ, thời gian bay tối đa 30 phút. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng giá trị của máy bay này chỉ mang tính thử nghiệm chứ không mang tính ứng dụng.

“Tôi không nghĩ nông dân có thể lái trực thăng này để phun thuốc trừ sâu cho ruộng hay chữa cháy rừng. Trực thăng của tôi rất khó lái và tiêu hao quá nhiều xăng” – ông Hiển nói. “Tôi muốn chứng minh người Việt cũng có thể chế tạo máy bay như ai. Nếu Nhà nước chấp nhận tôi nguyện đem hết hiểu biết, kinh nghiệm làm máy bay của mình ra phục vụ” – ông Hiển khẳng định. Ông cho hay sau chiếc máy bay này, ông có thể chế tạo ra một máy bay khác đẹp và dễ lái hơn nhiều.

Sẽ kiểm nghiệm!

Trả lời Báo Người lao động, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bình Dương, ông Thượng Văn Hiếu, khẳng định ông Bùi Hiển là trường hợp đầu tiên chế máy bay ở Bình Dương. “Ông Hiển hay bất kỳ ai phát minh, sáng tạo ra cái có lợi, Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, muốn Nhà nước hỗ trợ, ông Hiển phải trình dự án để cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định năng lực”.

Theo ông Hiếu, ông Hiển không được phép ra ngoài bay nếu chưa được cơ quan chức năng chấp thuận, sắp tới nhiều khả năng Bộ Quốc phòng sẽ kiểm nghiệm máy bay và làm việc với ông Hiển về vấn đề “bầu trời”. Trong khi đó, trả lời PV Báo Người lao động, Đại tá Võ Đức Thành, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, cho hay vừa chỉ đạo cấp dưới nắm bắt thông tin và làm việc với ông Hiển. Theo Đại tá Thành, sau khi nắm thông tin và đối chiếu với các thủ tục pháp lý liên quan đến việc quản lý bầu trời, Bộ Chỉ huy quân sự sẽ báo cáo vụ việc lên lãnh đạo cấp trên xử lý.

Ông Bùi Hiển theo ba mẹ qua Thái Lan sống đến năm 10 tuổi về lại quê Hà Tĩnh. Ông mê máy bay sau một lần được người bạn là lính phòng không cho ngồi trên trực thăng cùng lái. Sau chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ông tiếp tục hành quân sang chiến trường Campuchia và bị trúng mìn, thương tật 27%. Ông xuất ngũ, học tại chức Đại học Nông lâm TPHCM,  ngành cơ khí rồi đi sửa ô tô và trở thành chủ một gara lớn ở Bình Dương.

 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo