Sau 4 ngày làm việc, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc chiều 30-3.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin) 20 năm, Trần Văn Liêm (nguyên trưởng Ban Kiểm soát Vinashin) 19 năm, Tô Nghiêm (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân) 18 năm, Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm, Trịnh Thị Hậu (nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy) 14 năm, Hoàng Gia Hiệp (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy) 13 năm, Trần Quang Vũ (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu) 11 năm và Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 10 năm cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) lãnh 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản”.
“Xé rào” chỉ đạo của Chính phủ
Theo chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Trần Văn Nhiên - có đủ căn cứ xác định các bị cáo trên vi phạm về trình tự thủ tục việc đầu tư gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Riêng bị cáo Phạm Thanh Bình là người đứng đầu tập đoàn và vi phạm nghiêm trọng nên cần xử phạt ở mức cao nhất” - ông Nhiên nói.
Trước đó, trong lời nói sau cùng trước tòa, bị cáo Phạm Thanh Bình giãi bày: “Quyết tâm vì công nghiệp đóng tàu, tôi đã thực hiện tất cả những công việc trong bối cảnh khó khăn nên có những lúc nóng vội, thậm chí “xé rào” chỉ đạo của Chính phủ, làm sai quy định nhưng tất cả đều vì lợi ích chung”. Bị cáo Trần Văn Liêm thì vẫn đổ lỗi cho cấp trên và mong HĐXX xem xét để được hưởng sự khoan hồng. “Tôi nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình, chỉ mong HĐXX chú ý về hoàn cảnh, động cơ để định mức án” - bị cáo Tô Nghiêm nói.
Các bị cáo còn lại là Hoàng Gia Hiệp, Đỗ Đình Côn, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Quang Vũ, Nguyễn Tuấn Dương và Trịnh Thị Hậu cũng mong HĐXX xem xét để xét xử được công minh.
Thờ ơ với tiền nợ trả Nhà nước
Trước đó, HĐXX đã hỏi đại diện của nguyên đơn dân sự là Vinashin và Công ty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy, Công ty Viễn dương Vinashin, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long… Đại diện Vinashin và các công ty đều cho biết chờ phán quyết của HĐXX theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi mong đợi sự trở về của ông Nguyễn Tuấn Dương để giải quyết nhiều dự án đang còn dang dở” - đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long nói.
Trước các câu trả lời trên, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng nhiều nguyên đơn dân sự đã không nắm được vụ việc, số nợ bao nhiêu cũng không biết. “Tiền trong các dự án này không phải ở trên trời rơi xuống mà là của Nhà nước. Các nguyên đơn đòi tiền là đòi tài sản cho Nhà nước nhưng lại rất thờ ơ” - vị đại diện VKSND bức xúc.
Bồi thường hàng trăm tỉ đồng Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc. Trong đó, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm liên đới bồi thường cho Công ty Viễn dương Vinashin gần 493 tỉ đồng/người. Bị cáo Phạm Thanh Bình còn phải liên đới với các bị cáo Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn bồi thường cho Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy hơn 30 tỉ đồng. Ngoài ra, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Đỗ Đình Côn còn phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân gần 34 tỉ đồng và Công ty Nhiệt điện Cái Lân hơn 16 tỉ đồng... |
Bình luận (0)