Sau gần 3 tuần thực hiện lãi suất đầu vào không quá 13%/năm, nhiều ngân hàng (NH) đã hạ thêm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, các mức lãi suất cho vay vẫn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN), đòi hỏi phải giảm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Lãi cao để… bù chi phí
Ông Khưu Lạc, Giám đốc Công ty Lạc Hưng (TPHCM), cho biết NH chỉ mới giảm lãi suất cho vay vốn lưu động (thời hạn vay 6 tháng) xuống còn 19,5%/năm. Lãi suất vay vốn cao làm đội giá thành sản phẩm nên hàng hóa tiêu thụ rất chậm. “Do lãi suất còn cao nên công ty tôi phải hủy bỏ phương án vay NH 2 tỉ đồng đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất” - ông Lạc nói.
Về mặt lý thuyết, nếu lãi suất đầu vào tối đa là 13%/năm thì lãi suất cho vay 16%/năm là NH đã có lời. Thế nhưng, lãi suất cho vay phổ biến hiện vẫn 18%-19,5% năm, chứng tỏ việc hạ trần lãi suất huy động xuống 13%/năm chưa phải là cơ sở vững chắc để giảm mạnh lãi suất cho vay.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, có rất nhiều lý do làm cho lãi suất đứng ở mức cao. Một số NH thiếu hụt thanh khoản vẫn còn huy động vốn với lãi suất trên 13%/năm. Trong khi đó, nhiều NH vẫn giữ lãi suất cho vay cao vì muốn bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận… Phó Tổng Giám đốc NH Đại Á, ông Lê Hữu Tịnh, cho rằng: Ngoài chi phí giá vốn, tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên quá cao… còn do hoạt động cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng (mảng tín dụng thường đem lại lợi nhuận lớn) bị hạn chế, khiến không ít NH cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất cao để bù đắp chi phí...
“Do tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH ngày càng giảm nên nhiều khả năng đến tháng 6-2012, mặt bằng lãi suất cho vay mới lùi về 16%-17%/năm và đến cuối năm 2012 xuống còn 15% -15,5%/năm”- ông Trương Văn Phước dự báo.
Thanh khoản còn căng thẳng
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất sẽ giảm sâu khi các NH yếu kém được xử lý nhanh, tình trạng thiếu hụt thanh khoản của hệ thống NH sớm được giải quyết. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dù trần lãi suất đầu vào đã giảm xuống còn 13%/năm nhưng một số NH vẫn tìm cách lách trần lãi suất, cho thấy thanh khoản của nhiều NH đang có vấn đề. Do đó, NH Nhà nước nên thả nổi lãi suất đi kèm với biện pháp đào thải NH yếu kém. Nếu 2 biện pháp này được thực hiện đồng bộ thì lãi suất cao tại một NH sẽ trở thành dấu hiệu cảnh báo người gửi tiền về sự yếu kém của NH đó, buộc NH phải đưa lãi suất về với mặt bằng chung.
Buộc hợp nhất nếu không trình phương án Để xử lý các NH yếu kém, mới đây, NH Nhà nước đã phát hành tín phiếu với lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút số vốn dư thừa từ các NH lớn để điều tiết tiền đến các NH yếu kém. Điều này sẽ giúp cho các NH yếu kém không phải huy động bằng mọi giá, đồng thời cũng không phải vay vốn NH bạn với lãi suất cao. Kết quả, tính đến cuối tháng 3-2012, NH Nhà nước đã hút về 18.384 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ chế cho vay đặc biệt của NH Nhà nước, NH thương mại đối với các NH yếu kém đã được cơ quan quản lý ban hành. Theo đó, NH Nhà nước sẽ quyết định khoản cho vay đặc biệt hoặc yêu cầu một NH thương mại cho vay đặc biệt đối với NH yếu kém. Đồng thời, NH Nhà nước sẽ quyết định hạn mức cho vay, thời hạn vay tối đa 2 năm… Đến tháng 9-2012, NH yếu kém không trình phương án hợp nhất, NH Nhà nước sẽ tiến tới bắt buộc hợp nhất. |
Trong tháng 4, tháng 5-2012, NH Nhà nước sẽ xử lý rốt ráo hơn các NH yếu kém. Vì vậy, ít nhất phải vào tháng 6-2012, hệ thống NH mới ổn định, lãi suất mới có thể giảm sâu.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia) |
Bình luận (0)