Động thái của EVN cũng như của Chính phủ với điều hành giá điện thời gian này đang là một vấn đề được cả dư luận lẫn báo chí dành sự quan tâm đặc biệt, do theo quy định, cứ sau 3 tháng thì Tập đoàn này được phép kiến nghị điều chỉnh giá điện 1 lần.
Lần tăng giá điện gần nhất là hôm 20-12-2011 với mức điều chỉnh 5%.
Đáp lại những phản ánh về việc “EVN mua rẻ bán đắt nhưng vẫn than lỗ” và việc vì sao giá điện chỉ tăng 15,28% nhưng doanh thu 2011 của EVN tăng tới gần 27%, ông Phúc cho biết, đồng thời với mức tăng giá trên, thì sản lượng cũng tăng nên doanh thu tăng là điều có thể lý giải được.
“Làm phép tính sơ bộ, sản lượng tăng khoảng 10% cộng với tăng giá, nhân lên thì doanh thu tăng khoảng trên 26,5%. Doanh thu tăng như vậy là hợp lý” – ông Phúc cho hay.
Trước đó, theo thông tin đăng tải trên Báo Tuổi trẻ mới đây thì doanh thu thuần của EVN năm 2011 đã lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD. Trong khi đó, tại báo cáo tài chính của EVN, năm 2010 dù là năm lỗ đỉnh điểm của EVN, tuy nhiên do được tăng giá điện “kép”, vừa tăng giá vừa thêm khung giá điện giờ cao điểm buổi sáng, doanh thu của EVN đã lên tới trên 90.800 tỉ đồng (trên 4 tỉ USD). Như vậy, với mức chênh lệch lớn (khoảng 1 tỉ USD) thì mức lãi của EVN vẫn là một mức “khủng”.
Một chuyên gia từng làm cán bộ cao cấp của EVN cho rằng, với cơ chế hiện nay, giá điện thực chất 1kWh bao nhiêu chỉ EVN biết. Bởi danh nghĩa giá bình quân 1.304 đồng/kWh nhưng từ 150kWh trở đi giá có thể lên tới 2.000-2.060 đồng/kWh. Mà cơ cấu, tỷ lệ khách hàng dùng từ 150kWh trở lên bao nhiêu, kiểm toán vào cuộc khó biết bởi kiểm toán cũng chỉ soát xét trên hệ thống sổ sách của EVN, không thể kiểm tra hết cả 17 triệu hóa đơn khách hàng của EVN.
Bình luận (0)