Ngày 4-4, tại Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra phiên họp hẹp và lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 sau 2 ngày làm việc khẩn trương và tích cực. Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua nhiều tuyên bố chung cũng như các báo cáo và văn kiện liên quan nhằm định hướng và thúc đẩy hợp tác ASEAN thời gian tới. Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN 2012 - cũng ra Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả quan trọng của hội nghị.
Theo TTXVN, các nhà lãnh đạo cho rằng ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm ở khu vực vì các mục tiêu trên.
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20. Ảnh: TTXVN
Theo đó, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử, phát huy vai trò và tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị-an ninh vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực, như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...
Tại hội nghị, Tổng thống Myanmar đã thông báo sơ bộ về kết quả bầu cử bổ sung tại Myanmar ngày 1-4. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử; mong muốn Myanmar tiếp tục thực hiện lộ trình 7 bước vì hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển đất nước; khẳng định ASEAN tiếp tục hỗ trợ Myanmar và kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar...
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, hội nghị bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, sớm nối lại đàm phán 6 bên, tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết 1874.
Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về các nội dung trọng tâm của hội nghị và có những đề xuất quan trọng. Về tăng cường các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là vấn đề quan trọng và nhiệm vụ ưu tiên bao trùm của ASEAN.
Đồng thời, ASEAN cần chủ động định hướng xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, phù hợp với mục tiêu ưu tiên của ASEAN và đặc thù của khu vực... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc ASEAN tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong.
Về biển Đông, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế; bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
ASEAN cần tiếp tục duy trì tiếng nói chung này một cách nhất quán, thể hiện vai trò xây dựng và chủ đạo của mình vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Hoan nghênh những tiến triển mới đây, trong đó có việc thông qua bản Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC, Thủ tướng đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần triển khai Tuyên bố Hòa hợp Bali III (2011) nhằm tăng cường đoàn kết và phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế. ASEAN cần sớm thống nhất nội hàm và định hướng nâng cấp quan hệ với các đối tác, trong đó có việc nâng lên tầm đối tác chiến lược quan hệ của ASEAN với Mỹ và Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và nhất trí với Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc tổ chức Đối thoại toàn cầu ASEAN vào tháng 11-2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thông qua đối thoại toàn cầu, ASEAN vừa có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế vừa chia sẻ các kinh nghiệm phát triển của ASEAN và khu vực.
Bình luận (0)