Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra gần 100 vụ bạo hành gia đình. Trong đó, có nhiều vụ chính quyền địa phương không hề hay biết hoặc “chuyện xảy ra như cơm bữa” nên chỉ tổ chức hòa giải rồi đâu lại vào đấy.
“Mất mặt lắm”
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao khi chị Trần Thị Thủy (32 tuổi, ngụ thôn Bình Đông, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng - Quảng Ngãi) bị chồng đánh gây thương tích nghiêm trọng mà vẫn cố bảo vệ ông ta. Bao năm bị chồng hành hạ nhưng chị Thủy vẫn âm thầm chịu đựng. Đến một ngày, người chồng vũ phu ra tay tàn nhẫn đến mức Bệnh viện Đa khoa huyện Trà Bồng phải chuyển chị Thủy lên tuyến trên trong tình trạng hôn mê, gãy tay, tổn thương nặng vùng mặt và vô số vết thương trên cơ thể.
Chị Trần Thị Đậu, ngụ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi cũng gặp hoàn cảnh bi đát không kém. Dù đã có 3 mặt con nhưng chồng chị không chịu làm ăn mà chỉ thích… cờ bạc và rượu chè. Mỗi lần rượu vào, “niềm vui” của người chồng là lôi vợ ra đánh. Nhiều hôm, khi hàng xóm đã chìm trong giấc ngủ thì bừng tỉnh bởi tiếng la ó, chửi bới, rượt đuổi, đánh đập vợ con của chồng chị Đậu. “Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử hoặc báo chính quyền. Thế nhưng, nghĩ lại thấy làm to chuyện thì hàng xóm chê cười, cha mẹ già lo lắng, rồi lỡ không may người ta bỏ tù chồng thì ai sẽ nuôi con…” - chị Đậu tâm sự.
Chị Phan Thị Trang (bìa trái - ngụ phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) bị đánh đập suốt 14 năm nhưng vẫn bênh vực chồng. Ảnh: Niêm Hà
Được nước lấn tới
Bà Võ Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh chưa có thống kê cụ thể về tình trạng bạo hành gia đình mặc dù có “điểm nóng”. “Lâu nay, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo hành gia đình thiếu hiệu quả vì các cơ quan chức năng chưa thật sự vào cuộc” - bà Hà nói.
Theo bà Hà, những vụ bạo hành đều xuất phát từ cuộc sống gia đình khó khăn về kinh tế, vợ chồng không hợp nhau… Hầu hết phụ nữ là người bị thiệt thòi nhưng họ không muốn “chuyện bé xé ra to” mà âm thầm chịu đựng nên người chồng càng được nước lấn tới.
Trong khi đó, theo ông Bùi Đình Nhi, Phó Chánh án TAND TP Tam Kỳ - Quảng Nam, khó khăn nhất trong quá trình điều tra, xử lý những vụ bạo hành gia đình là sự bất hợp tác của người trong cuộc. Trong vụ việc ly hôn do bạo hành gia đình, chỉ khi nào nạn nhân được chứng thực bị thương tích hơn 11% hoặc nạn nhân và các cấp cơ sở đứng ra tố cáo thì tòa án mới có đủ cơ sở xử lý hoặc chuyển qua hình sự. “Hiện nay, đa số trường hợp bạo hành gia đình chỉ dừng lại ở mức răn đe, giáo dục là chính” - ông Nhi nói.
Hàn gắn gia đình Cùng với chỉ thị “nói không với bạo hành gia đình” của Thành ủy Đà Nẵng, các cấp hội phụ nữ TP đã chung tay gỡ rối cho những gia đình có xảy ra bạo hành. Mỗi năm, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn - Hội LHPN TP Đà Nẵng đã tư vấn và giải quyết hàng ngàn vụ việc liên quan đến bạo hành gia đình. Trong đó, có rất nhiều trường hợp bỏ hẳn bạo hành gia đình và tìm về với cuộc sống hạnh phúc. Bà Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng, cho rằng đôi lúc nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình xuất phát từ người phụ nữ. Chính sự lơ là, không biết vun vén gia đình, bỏ mặc chồng con là nguyên nhân dẫn đến việc người vợ bị bạo hành. Vì thế, bà Liên đã tổ chức cho phụ nữ của phường có nhiều buổi họp mặt để nói chuyện về cách ứng xử trong gia đình của người vợ. “Tôi đã từng hòa giải nhiều trường hợp bạo hành gia đình liên quan đến những nguyên nhân trên” - bà Liên nói. Nhiều người làm công tác phụ nữ cho biết khó nhất là việc giải thích cho các “đấng mày râu” hiểu bạo hành gia đình là phạm pháp. “Nhiều lúc tôi đến hòa giải mà bị ông chồng mắng té tát rồi tuyên bố “Vợ tui, tui dạy, tui đánh, mắc mớ chi mấy người” - chị Hương, người làm công tác phụ nữ lâu năm, ngao ngán. Vừa qua, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và lập danh sách 130 ông chồng có hành vi bạo hành gia đình ở TP.
Sau đó, các ông chồng này đã có buổi nói chuyện với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và ký cam kết chấm dứt tình trạng bạo hành gia đình. Cho đến nay, 98 ông chồng đã có những chuyển biến tích cực, chí thú làm ăn và không còn hành vi bạo hành như trước. |
Bình luận (0)