Các phóng viên nước ngoài có mặt tại CHDCND Triều Tiên cho biết tên lửa dự kiến được sử dụng để phóng vệ tinh vào quỹ đạo trong kế hoạch sắp tới đã được lắp đặt vào bệ phóng.
Chương trình hòa bình
Theo Tân Hoa Xã, khoảng 70 phóng viên nước ngoài lần đầu tiên đã được mời đến quan sát Trạm phóng vệ tinh Sohae ở khu vực Tongchang-ri thuộc tỉnh Bắc Phyongan hôm 8-4. Tại đây, ông Jang Myung Jin, quan chức phụ trách trạm, cho biết tên lửa đẩy 3 tầng Unha-3, sẽ mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3, đã được lắp đặt vào bệ phóng và sẽ sớm được tiếp nhiên liệu, bước cuối cùng để vụ phóng có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.
Các phóng viên nước ngoài được mời đến quan sát tên lửa Unha-3 tại bệ phóng hôm 8-4. Ảnh: Reuters
Theo ông Jang, tên lửa Unha-3 dài 30 m, có đường kính 2,5 m và nặng 91 tấn. Trong khi đó, vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng 100 kg, được trang bị 5 ăng-ten và các tấm pin mặt trời. Ông Jang nhấn mạnh rằng tên lửa Unha-3 không phải là một tên lửa đạn đạo mà chỉ là tên lửa đẩy và nó sẽ trong tình trạng sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào kể từ ngày 12-4 tới.
Ông Jang nói: “Thật vô lý khi gọi đây là một vụ thử tên lửa. Vụ phóng đã được lên kế hoạch từ lâu và chúng tôi không làm điều này vì những mục đích khiêu khích”. Sau khi thăm bệ phóng, nhà phân tích không gian James Oberg của đài NBC News cho biết về mặt kỹ thuật, tên lửa được sử dụng trong vụ phóng này không được vũ khí hóa.
Theo kế hoạch được thông báo trước đó, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16-4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Ông Jang khẳng định vụ phóng này là một chương trình hòa bình nhằm phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân Triều Tiên. Vệ tinh Kwangmyongsong-3 được thiết kế để gửi về hình ảnh, thông tin được dùng trong các dự báo thời tiết hoặc các cuộc khảo sát tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Khó xảy ra kịch bản xấu nhất
Ông Jang cho biết thêm rằng tên lửa Unha-3 được trang bị một hệ thống tự hủy nên sẽ không ảnh hưởng tới các nước khác trong khu vực. Quan chức này nhấn mạnh mọi quốc gia đều có quyền tự do thăm dò không gian một cách hòa bình và Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi hoạt động này, bất chấp những khó khăn kinh tế. Các quan chức Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng chi khoảng 19 triệu USD cho vụ phóng vệ tinh này.
Kế hoạch phóng vệ tinh trên đang khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại do những nước này xem đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, một số nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines còn lo ngại về nguy cơ các tầng của tên lửa có thể rơi xuống lãnh thổ mình trong trường hợp xảy ra sự cố. Nhật Bản và Hàn Quốc nói họ sẵn sàng bắn hạ bất kỳ bộ phận tên lửa nào đe dọa rơi vào lãnh thổ nước mình. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo rằng một hành động như thế sẽ được xem như là một lời tuyên chiến.
Dù vậy, theo hãng tin Reuters, không có nhiều chuyên gia tin rằng tình huống xấu nhất sẽ xảy ra, tức là tên lửa Unha-3 rơi xuống một vùng đông dân cư. Markus Schiller, một chuyên gia về hệ thống tên lửa Triều Tiên, cho biết rủi ro cao nhất là hệ thống dẫn đường bị hỏng, có thể khiến tên lửa đi về phía Bắc và rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc hoặc cơ chế tự hủy không hoạt động trong trường hợp nó đi chệch hướng.
Dù vậy, ông Schiller cho rằng khả năng xảy ra tình huống này gần như bằng 0. Trong khi đó, một chuyên gia về công nghệ tên lửa giấu tên tại một viện nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng kịch bản xấu nhất là tên lửa Triều Tiên bay lạc vào lãnh thổ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc trong trường hợp nó mất kiểm soát.
Bình luận (0)