Tuy tiếp tục giảm nhưng nhiều người cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay mà một số NH công bố không hẳn là lãi suất thực. Thực tế cho thấy từ ngày 13-3 (thời điểm áp dụng trần lãi suất tiền gửi 13%/năm) đến ngày 10-4, không ít người dân có tiền tỉ đã thỏa thuận với các NH lãi suất tiền gửi ở mức 16%/năm. Còn các mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 14%-16%/năm thì các NH chỉ dành cho một ít đơn vị ưu tiên, đồng thời yêu cầu bên vay gửi lại từ 10%-30% số tiền vay hoặc phải cam kết bán ngoại tệ cho NH theo giá thỏa thuận (đối với đơn vị xuất khẩu). Như vậy, tính ra lãi suất vay vốn thực tế lên tới 16%-18%/năm…Vì vậy, không ít lãnh đạo các NH thừa nhận rằng lãi suất tiền gửi lẫn cho vay của một số NH còn ẩn chứa yếu tố danh nghĩa, còn lãi suất bình quân thực tế đầu vào là 14%-15%/năm và đầu ra là 17%-18%/năm.
Giới phân tích cho rằng gần một tháng qua, NH Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh trần lãi suất đầu vào, đưa lãi suất tiền gửi cao nhất về mức 12%/năm, chứng tỏ cơ quan này quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất cho vay về mức 14% -15%/năm (lãi suất cho vay cao hơn lãi suất tiền gửi khoảng 3% là hợp lý) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này rất khó trở thành hiện thực trong vài tháng tới bởi phải đến hết năm 2012 mới xử lý dứt điểm các NH yếu kém, ổn định thanh khoản.
Để tiếp tục giảm thêm lãi suất, một số chuyên gia tài chính đề xuất NH Nhà nước sớm áp dụng cơ chế cho vay đặc biệt của NH Nhà nước, NH thương mại đối với các NH yếu kém, theo hướng NH Nhà nước sẽ quyết định hạn mức cho vay, thời hạn vay tối đa 2 năm; đồng thời mạnh tay “trảm” những NH huy động vốn vượt trần lãi suất 12%/năm. Như thế, lãi suất đầu vào mới ổn định, lãi suất cho vay phổ biến sẽ ở mức 14%-15%/năm trong 2-3 tháng tới.
Bình luận (0)