xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thất bại không ngạc nhiên của Triều Tiên

Hoàng Phương

Tên lửa của Triều Tiên chỉ bay được từ 1 đến 2 phút trước khi nổ giữa không trung rồi rơi xuống biển Hoàng Hải

CHDCND Triều Tiên hôm 13-4 xác nhận đã phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 trên tên lửa tầm xa Unha-3 nhưng vệ tinh này không vào được quỹ đạo. Bản tin của hãng thông tấn chính thức KCNA cho biết các nhà khoa học, kỹ thuật và chuyên gia nước này đang tìm hiểu nguyên nhân của thất bại này nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể. 
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời một quan chức Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho biết nhà chức trách sẽ công bố thông tin liên quan theo “đúng trình tự”.

Chưa rõ nguyên nhân

Trước khi có sự xác nhận nói trên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói tên lửa của Triều Tiên được phóng lúc 7 giờ 39 phút (giờ địa phương), bay được từ 1 đến 2 phút trước khi nổ giữa không trung rồi rơi xuống biển Hoàng Hải, phía Tây bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đang tìm kiếm khoảng 20 mảnh vỡ tên lửa rơi xuống vùng biển cách bờ biển phía Tây khoảng 100-150 km. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết Triều Tiên đã đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao sau vụ phóng tên lửa không thành công.
Trong khi đó, nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói tên lửa đã lên đến độ cao 120 km trước khi bị vỡ và rơi xuống biển Hoàng Hải. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết  các chuyên gia nước này đang phân tích những nguyên nhân có thể có khiến vụ phóng thất bại. Một chuyên gia cho rằng vấn đề có thể xảy ra khi tên lửa bay thẳng đứng trước khi tầng đầu tiên được tách ra.
img

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên hôm 13-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyên gia này cho rằng có thể nhiên liệu từ tên lửa đã rò rỉ hoặc có vụ nổ bên trong động cơ tên lửa do được nạp quá nhiều nhiên liệu. Một khả năng khác có thể là Triều Tiên ra lệnh tự bắn hạ tên lửa khi phát hiện có trục trặc nào đó.

Trong khi đó, một chuyên gia khác nhận định rằng nhiều khả năng trục trặc động cơ bắt đầu xảy ra ở tầng đầu tiên của tên lửa trước khi hoặc trong quá trình tầng này tách khỏi nó. Thông thường, tầng thứ 1 và thứ 2 tách khỏi tên lửa khoảng 2 phút sau khi phóng. Người này cũng cho rằng một khả năng khác là đã xảy ra sơ suất trong quá trình lắp tên lửa vào bệ phóng mới.

Thất bại không gây ngạc nhiên

Các chuyên gia cho biết thất bại của vụ phóng trên không gây nhiều ngạc nhiên nếu nhìn vào chương trình tên lửa của Triều Tiên trong những năm qua. Theo website msnbc.com, công nghệ tên lửa của Triều Tiên bắt nguồn từ công nghệ tên lửa Scud của Liên Xô, được đưa vào nước này từ Ai Cập trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Dựa vào Scud, các nhà khoa học Triều Tiên bắt đầu những phiên bản tên lửa của riêng mình, gọi là Hwasong-5 và Hwasong-6. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn phát triển một phiên bản tên lửa Nodong được cho là có tầm bắn xa hơn.

Bước tiến tiếp theo trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên là tên lửa Taepodong-1. Các chuyên gia tin rằng tên lửa cao 25 m này gồm 2 tầng: tầng đầu tiên là Nodong và tầng thứ 2 là Hwasong-6. Taepodong-1 bay một lần vào tháng 8-1998, khi đó, nó được điều chỉnh để có thêm tầng thứ 3 và có nhiệm vụ đưa vệ tinh Kwangmyongsong-1 vào quỹ đạo. Phía Triều Tiên khẳng định vụ phóng tên lửa này đã thành công trong lúc phương Tây nói sứ mệnh đã thất bại.

Sau vụ phóng trên, các nhà khoa học Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu và phát triển được phiên bản tiếp theo – gọi là Taepodong-2. Giới chuyên gia cho rằng tên lửa này cao khoảng 35 m và gồm 2 tầng. Tương tự phiên bản trước đó, Taepodong-2 cũng chỉ được phóng một lần trong cuộc thử nghiệm vào tháng 7-2006. Vụ thử đã không thành công khi tên lửa nổ sau khi được phóng 40 giây.

Triều Tiên còn phát triển một loại tên lửa nữa gọi là Taepodong-X hoặc Musudan. Không có nhiều thông tin về loại tên lửa này do nó chưa được phóng thử công khai. Dù vậy, giới quan sát phương Tây phỏng đoán rằng Taepodong-X có tầm bay tối đa khoảng 3.300 km.

img
Người dân Hàn Quốc theo dõi truyền hình phát ảnh đồ họa về vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên Ảnh: GETTY IMAGES
Đến tháng 4-2009, Triều Tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh lần thứ 2 với tên lửa sử dụng là Unha-2, một phiên bản cải tiến của Taepodong-2. Các chuyên gia cho biết Unha-2 cao khoảng 30 m, nặng từ 80-85 tấn và gồm 3 tầng. Tầng thứ nhất của nó sử dụng động cơ của tên lửa Nodong, còn tầng thứ hai dường như giống hệt tên lửa đạn đạo R-27 của Liên Xô. Tầng thứ ba của Unha-2 có nhiều điểm giống tầng trên cùng của tên lửa Safir-2 do Iran chế tạo. Mỹ và các đồng minh cho biết vụ phóng tên lửa nói trên đã thất bại. Dù vậy, Triều Tiên khẳng định tên lửa đã đưa thành công vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo.

Không có nhiều thông tin về Unha-3, tên lửa được dùng trong vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Trước thềm vụ phóng, Bình Nhưỡng chỉ tiết lộ rằng Unha-3 cao 30 m, có đường kính 2,5 m và nặng 91 tấn. Giới chuyên gia cho rằng Unha-3 có nhiều điểm giống Unha-2.

Bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân khiến vụ phóng tên lửa thất bại, điều người ta quan tâm hiện nay là Triều Tiên liệu có thử hạt nhân lần 3 như phỏng đoán của giới tình báo Hàn Quốc hay không. Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh châu Mỹ mới, trụ sở ở Washington, nhận định rằng có nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 3 trong những tuần hoặc tháng sắp tới để lấy lại uy tín sau thất bại gây bối rối nói trên. 

Thế giới lên án

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa và đã thất bại, dư luận thế giới lên tiếng chỉ trích nước này và lên án đó là một hành động khiêu khích.
Trong tuyên bố chung của mình, ngoại trưởng nhóm các nước G8 lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa và nhắc lại rằng hành động này vi phạm 3 nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ); đồng thời, kêu gọi Triều Tiên thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và kiềm chế các hành động khiêu khích.

Bên cạnh đó, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích mặc dù đã thất bại và hành động này làm cho nước này càng bị cô lập. Nhật Bản và Hàn Quốc đều xem đây là hành động khiêu khích đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như các nước khác trong khu vực.

Hãng tin RIA Novosti cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Thế nhưng, ông phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa thất bại này.

Còn Trung Quốc thúc giục tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế, tránh những hành động gây tổn hại cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân kêu gọi các bên duy trì sự tiếp xúc và đối thoại.

Ngoài ra, các nhà ngoại giao LHQ cho biết Hội đồng Bảo an nhóm họp trong ngày 13-4 để bàn bạc quyết định lên án Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm của LHQ về việc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Ngô Sinh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo