“Chất cấm trong chăn nuôi đã được nói đến từ năm 2002 nhưng chưa được quản lý tốt nên nó trở thành “đại dịch” lan tràn khắp nơi gây tổn hại cho người chăn nuôi chân chính”. Đó là ý kiến được nhiều người nêu ra tại hội nghị “Nói không với chất kích thích tăng trưởng họ beta-agonist trong chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi kết hợp cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tổ chức ngày 13-4 tại TPHCM.
Tỉ lệ nhiễm cao đến 50%
Nhiều cơ quan chức năng, đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước. Người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (dù là số ít) bị ảnh hưởng là đương nhiên nhưng nhiều người chăn nuôi không sử dụng cũng không bán được hàng hoặc bị ép giá.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết có ngày ông nhận hơn 50 cuộc gọi từ các cơ sở chăn nuôi phiền trách sao đẩy vụ việc đi quá xa. Nhiều người còn dọa gặp ông ở đâu đánh ngay tại đó. Ông Nguyễn Trí Công bức xúc: Đúng là khi vụ việc bị phanh phui đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi, mỗi tạ heo đã bị lỗ từ 500.000 đến 1 triệu đồng do giá giảm mạnh dù số hộ sử dụng chất cấm chỉ chiếm khoảng vài phần trăm, còn hơn 90% cơ sở chăn nuôi chân chính bị vạ lây. Do đó, vấn đề này cần phải làm đến nơi đến chốn để không ảnh hưởng đến người chăn nuôi lương thiện.
Không mạnh tay sẽ khó lường
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết những chất cấm trong nhóm beta-agonist đã được cảnh báo từ năm 2002 nhưng lúc đó chỉ gióng lên rồi không ai quản lý, kiểm soát. Người chăn nuôi rỉ tai nhau sử dụng ngầm và cứ thế lan tràn. Để dẹp bỏ cần phải mạnh tay, thậm chí xử lý truy tố hình sự. Còn hiện nay bắt được vụ nào cũng chỉ xử phạt mấy triệu đồng rồi thôi thì không đủ sức răn đe.
Ông Phan Xuân Thảo cho biết việc truy tìm chất cấm trong chăn nuôi không phải trách nhiệm của ngành thú y nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên Chi cục Thú y TPHCM phải vào cuộc. Chất này đã sử dụng từ lâu nên TP kiến nghị đưa vào danh mục cấm cũng đã khá lâu. Hiện nay, có thể nói thông tư hướng dẫn xử lý còn bất cập, chưa giải quyết đồng bộ, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe… Nếu không mạnh tay sẽ còn nhiều biến tướng phức tạp, lâu dài sẽ gây hậu quả khó lường hơn.
Hà Nội tăng cường kiểm tra thịt heo có chất cấm Đồng Nai phát hiện 100 kg chất tạo nạc Ngày 13-4, đoàn thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra việc kinh doanh gia súc, gia cầm và truy tìm thịt heo chứa beta-agonist (chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi) tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn. Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đoàn đã phát hiện điều kiện vệ sinh khu vực bày bán thực phẩm không bảo đảm. Tại siêu thị BigC, đoàn cũng phát hiện một số sản phẩm thịt đóng gói được siêu thị mua lô về tự sơ chế đóng gói không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra nhằm hạn chế tối đa việc kinh doanh, buôn bán thịt heo có chất cấm trên địa bàn. Cùng ngày, Đội QLTT huyện Thống Nhất - Đồng Nai đã gửi mẫu chất tạo nạc của cơ sở kinh doanh thuốc thú y Hòa Hiệp (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) đến cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm xem có chất cấm hay không. Trước đó, trưa 12-4, khi kiểm tra cơ sở trên, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở có 9 bao (loại 10 kg/bao) chất tạo nạc với tên gọi BecomlexC-B12 và 5 bịch (loại 1 kg/bịch) loại BecomlexC. Chủ cơ sở khai báo số chất tạo nạc này được nhập về từ Công ty TNHH Dinh dưỡng Heo Vàng (tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) hồi tháng 1-2012. Kh.Anh -N.Phú |
Bình luận (0)