Dệt may xuất khẩu là một trong những ngành đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thúy
Nhiều ngành giảm đơn hàng
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp (DN) da giày đang rất lo lắng vì hiện tại mới ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I. Chỉ có số ít DN ký được hợp đồng đến hết quý II nhưng đơn hàng lại giảm 20%-30% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự cắt giảm chi tiêu, chính sách nhập khẩu của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật đang có sự thay đổi trong cách thức mua hàng và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội của DN.
Các DN ngành dệt may cũng đang ở trong tình cảnh chỉ kiếm được đơn hàng vài chục ngàn sản phẩm, rất khó tìm được đơn hàng có số lượng lớn như những năm trước. Nguyên nhân giảm đơn hàng không chỉ vì người tiêu dùng tại các thị trường lớn cắt giảm chi tiêu mà còn vì các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần đơn hàng từ Việt Nam với thuế suất nhập khẩu 10% sang Campuchia, Lào và Bangladesh để hưởng thuế nhập khẩu 0% theo tiêu chuẩn Tối huệ quốc vẫn đang được áp dụng tại các quốc gia này. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU đã giảm 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để bù đắp sự sụt giảm này, các DN da giày đang nỗ lực chuyển sang tìm kiếm đơn hàng từ thị trường Nam Mỹ, nghiên cứu hợp tác đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu da giày với các nước có tiềm năng như Ấn Độ, Brazil. Còn DN dệt may chuyển hướng xâm nhập và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Angola, New Zealand, Ấn Độ, Nga...
Đầu năm nay cũng là thời điểm khó khăn của nhiều mặt hàng nông sản. Mặt hàng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 58.000 tấn. Xuất khẩu gạo giảm hơn 800.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 6,4% do bất lợi về giá và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn...
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam hiện nay là nhiều mặt hàng không thâm nhập được vào các thị trường do vấp phải hàng rào kỹ thuật từ phía các thị trường nhập khẩu. Việc cần làm hiện nay là nhanh chóng tổ chức lại thị trường, sắp xếp lại xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển từng trăn trở rất nhiều về thực trạng Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều ngành hàng, có nhiều mặt hàng đứng tốp đầu thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại kém hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển tương đương. Bước sang năm thứ 5 gia nhập WTO, vấn đề này vẫn không được giải quyết. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do chất lượng hàng hóa chưa cao, tổ chức xuất khẩu và tổ chức xâm nhập thị trường chưa tốt. Hiện nay, khả năng mở rộng khối lượng xuất khẩu không còn nhiều nên chỉ còn cách tổ chức lại xuất khẩu và cạnh tranh bằng chất lượng.
Trong công tác tổ chức thị trường cần lưu ý đến cơ hội cho hàng hóa Việt Nam trong thời điểm Trung Quốc đang chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng chất lượng do sức ép tăng lương. Trước mắt, Việt Nam có thể thay thế những sản phẩm Trung Quốc không làm nhưng về lâu dài vẫn phải nâng cao chất lượng để tăng giá trị sản phẩm thay vì chấp nhận làm gia công hưởng giá trị gia tăng thấp. Ông Trương Đình Tuyển (nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại) |
Bình luận (0)