Cát được Công ty Hiệp Phước tận thu và bán “tươi” tại chỗ
Đỡ tốn ngân sách!
Công ty Hiệp Phước cho biết bắt đầu khai thác cát từ tháng 2-2012, giấy phép do Bộ GTVT cấp. Theo đó, Công ty Hiệp Phước được nạo vét, duy tu hàng hải và cải tạo, nâng cấp luồng Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai. Tổng chiều dài luồng tuyến 28,5 km, bề rộng 180- 230 m, khai thác xuống độ sâu 10 m, khối lượng khai thác khoảng 10 triệu m3. Đồng thời, Bộ TN-MT cũng đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Việc nạo vét nhằm nâng cấp luồng tuyến, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, cho phép tàu biển 10.000 DWT ra vào. Công ty Hiệp Phước được nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm theo hình thức lấy thu bù chi. Bộ GTVT cấp phép dựa trên kiến nghị của Cục Đường thủy nội địa, với lý do kinh phí nạo vét, duy tu hết sức hạn chế. Trong khi đó, Công ty Hiệp Phước dùng vốn tự có của doanh nghiệp, không sử dụng vốn Nhà nước.
Dự án nạo vét sông Đồng Nai do Bộ GTVT cấp phép ảnh hưởng đến 9 phường - xã của 4 quận - huyện tại Đồng Nai và TPHCM.
Địa phương phản đối
Tháng 2-2012, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi 2 bộ GTVT và TN-MT về vấn đề này do dự án có khối lượng tận thu lớn - gần 10 triệu m3 cát xây dựng và san lấp - sẽ không tránh khỏi tình trạng sạt lở bờ sông. Năm 2004, Chính phủ đã cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn hạ nguồn thủy điện Trị An. Vùng khai thác của Công ty Hiệp Phước còn nằm trong khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Theo Luật Khoáng sản năm 2010, nếu khai thác cát trong khu vực này phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến tháng 3-2012, UBND quận 9 có văn bản kiến nghị UBND TPHCM kiểm tra, xử lý hoạt động nạo vét cát của Công ty Hiệp Phước. Văn bản của quận 9 nêu rõ khu vực sông Tắc (một nhánh sông Đồng Nai) chảy qua địa phận phường Long Phước, do tình trạng khai thác cát vô tội vạ nên khoảng 9 ha đất ven bờ bị sụp lún, sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Khi nạo vét, Công ty Hiệp Phước không hề thông báo với UBND quận 9.
UBND quận 9 đã tổ chức kiểm tra và ghi nhận có 6 xáng cạp hoạt động, số lượng cát nạo vét khoảng 3.500 - 4.000 m3/ngày, giá bán tại công trường 60.000- 80.000 đồng/m3. Tại thời điểm bị kiểm tra, công ty không cung cấp được các văn bản pháp lý hợp lệ. Theo quận 9, địa hình đáy sông từ sông Tắc về hạ nguồn sông Đồng Nai có độ sâu 12-22 m, cá biệt có những hố xoáy có thể sâu 25-27 m. Độ sâu hiện tại đã vượt độ sâu thiết kế nạo vét nên không cần nạo vét.
Ngoài ra, theo quyết định do Thủ tướng ký năm 2009 về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các cảng thuộc Bình Dương, Đồng Nai có quy mô tải trọng đến 5.000 DWT. Do đó, việc nạo vét luồng cho tải trọng 10.000 DWT (tương đương độ sâu 10 m) là không đúng với phê duyệt của Thủ tướng.
Có sổ đỏ nhưng không đất
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, so sánh: Trong khi người dân bị cấm khai thác, lén khai thác lượng nhỏ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì Công ty Hiệp Phước lại được khai thác với khối lượng lớn. Ông Huỳnh Phương Nam, Phó trạm trưởng Trạm CSGT Đường thủy số 6, đề nghị Sở TN-MT cần tiến hành kiểm tra đột xuất việc khai thác cát; yêu cầu chủ đầu tư phải cắm mốc dự án, bàn giao bình đồ địa hình khai thác cho địa phương giám sát. “Trên địa bàn quận 9 hiện nay, rất nhiều người có sổ đỏ nhưng không có đất vì sạt hết rồi. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, đến cuối năm, sẽ còn nhiều người mất đất” - ông Nam bức xúc.
Quá hời ! Ông Đinh Công Hoàng, Giám đốc Công ty Hiệp Phước, cho biết trữ lượng cát khai thác được sẽ tập kết ở Nhơn Trạch - Đồng Nai, Nhà Bè - TPHCM, không cần qua xử lý và bán cho các đơn vị có nhu cầu san lấp, xây dựng. Ông Nguyễn Hoài Nam nhẩm tính với giá trung bình 50.000 đồng/m3 do công ty đưa ra và trữ lượng khai thác gần 10 triệu m3, công ty sẽ thu được ít nhất 500 tỉ đồng thì quá hời. “Tôi ngạc nhiên là tại sao Bộ GTVT không đưa dự án này ra đấu thầu công khai?” - ông băn khoăn. |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!