Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương vào ngày 28-3 ở Hà Nội về vụ này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói rằng việc nước thấm qua thân đập là không nằm trong thiết kế. tuy nhiên, ông khẳng định đập vẫn an toàn: “Tôi chịu trách nhiệm khi nói đập Sông Tranh 2 an toàn”. Làm sai thiết kế mà vẫn cho là “an toàn”, thế mới lạ! Và ông thứ trưởng chịu trách nhiệm là chịu thế nào? Lẽ nào đem sinh mạng và tài sản của hàng trăm ngàn người “ký gửi” vào một lời tuyên bố chịu trách nhiệm chung chung!
Chủ đầu tư hứa đến tháng 7 năm nay sẽ khắc phục xong sự cố. Với các giải pháp như chủ đầu tư đưa ra, nhiều nhà khoa học uy tín về thủy điện, thủy lợi cho rằng đó không phải là cách giải quyết căn cơ mà chỉ là “làm đẹp” để cho dân đỡ sợ! Đó là chưa kể đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên khu vực có đới đứt gãy đang hoạt động. Hơn 80 vụ động đất lớn, nhỏ đã xảy ra nơi đây do lòng hồ tích nước (730 triệu m3), cộng với vụ thân đập bị rỉ nước với lưu lượng lớn là lời cảnh báo khẩn thiết về công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dân. Điều ít ai dám nói nhưng không thể không nghĩ tới là nếu không chặn được tình trạng rỉ nước, có thể phải loại bỏ vĩnh viễn con đập này.
Trong lịch sử từng xảy ra những vụ vỡ đập đáng tiếc, như đập Bản Kiều (Banqiao Dam) trên sông Ru, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc vào năm 1975. Sau khi bị vỡ lần đầu, đập Bản Kiều được chủ đầu tư xây lại và vỡ tiếp khiến hơn 175.000 người thiệt mạng, hơn 11 triệu người mất tài sản…
Bình luận (0)