“Nhà của bố” (Father’s House) nằm trong một khu phố yên bình giữa TP Đà Nẵng. Căn nhà đặc biệt này là nơi cưu mang những cô gái trẻ lỡ lầm trong chuyện tình cảm, bị người tình chối bỏ khi mang thai hoặc cả hai bên không có điều kiện nuôi con mà muốn giữ lại giọt máu của mình. Đa phần, những cô gái ở đây đều có tuổi đời rất trẻ nhưng đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống bằng chính tình mẫu tử thiêng liêng.
Quyết giữ giọt máu của mình
Chúng tôi đến “Nhà của bố” vào một buổi trưa, khi tất cả thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị bữa ăn chính trong ngày. Hơn 10 đứa trẻ quây quần đùa giỡn cùng nhau trên sàn nhà với những người mẹ trẻ. Thấy khách đến, các bà mẹ trẻ đều tỏ ra ái ngại khi biết chúng tôi sẽ hỏi thăm về chuyện cá nhân. Ban đầu, các cô gái có vẻ ngại ngần nhưng dần dà, họ đã mạnh dạn trải lòng về những sự cố buồn đau xảy ra trong quá khứ.
Một trong những cô gái khiến chúng tôi đặc biệt chú ý là V.T.L. Năm nay L. mới 24 tuổi và con trai cô là Võ Thiện Nhân đã gần tròn 3 tuổi. Tiếp xúc với chúng tôi, L. vẫn còn rầu rĩ khi kể về những chuyện đã xảy ra lúc cô còn là nữ sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở TP Đà Nẵng.
Lớn lên trong một gia đình làm nông ở tỉnh Quảng Nam, khi ra Đà Nẵng trọ học, vì thiếu thốn tình cảm nên L. nhanh chóng nhận lời làm bạn gái của một sinh viên quê Nghệ An học cùng trường. Sau một năm yêu đương thắm thiết, L. cứ ngỡ chàng sinh viên thương mình thật lòng nên đã quyết định trao đời con gái cho anh ta. Vì thiếu kiến thức về cuộc sống tình dục nên L. đã mang thai với người yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lúc này, L. cứ nghĩ đơn giản rằng khi nói chuyện có thai với người yêu, cô sẽ được anh ta dẫn về quê thưa chuyện với cha mẹ và tiến hành đám cưới để giữ lại đứa con. Thế nhưng, khi L. đem chuyện mang thai ra khoe, cô mới vỡ lẽ người yêu đối với mình chỉ là giả tạo. “Anh ta thẳng thừng bảo em: “Tôi yêu L., chỉ là chơi thôi, bây giờ nếu đã vậy, muốn giữ con lại thì tùy L., tôi không có trách nhiệm”. Cho đến tận bây giờ, hơn 3 đã năm trôi qua nhưng em vẫn không thể quên được lời nói của con người bội bạc đó” - L. rưng rưng nước mắt kể lại.
Khác với vẻ rắn rỏi của L., N.T.N - quê ở Bình Định, hiện đang mang thai 7 tháng - rụt rè kể về chuyện tình éo le của mình. Cúi nhìn đứa con đang còn nằm trong bụng, N. khóc tức tưởi khi cho biết cha của bé hiện đang ở tù vì tội trộm cắp ở TPHCM. “Tụi em quen nhau từ những năm học phổ thông. Sau khi học xong, em ra Đà Nẵng làm công nhân, còn anh ấy vào TPHCM học nghề. Trong thời gian đó, hai người vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng anh ấy cũng có về Đà Nẵng thăm em. Trong thời gian em biết mình có thai thì cũng là lúc nhận được tin báo anh ta phải vào trại giam” - N. rầu rĩ kể lại.
Đau đớn tột cùng nhưng không còn cách nào khác, sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng giữ hay bỏ giọt máu trong hoàn cảnh oái oăm đó, N. đã lựa chọn để đứa bé được sinh ra đời và cô tìm đến “Nhà của bố” nương náu.
Vượt qua nỗi đau
Những người mẹ trẻ sống ở “Nhà của bố” đều có chuyện quá khứ đau lòng. Ít khi họ chịu trải lòng với người ngoài về những lỡ lầm trong tình cảm của mình. Chỉ có điều, họ quyết đứng vững trong cuộc sống bằng mọi giá để làm lại cuộc đời và nuôi dạy con mình cho thật tốt.
Ôm Thiện Nhân vào lòng, L. âu yếm hôn lên khắp mặt cậu con trai. Dường như mọi ưu phiền về chuyện quá khứ đau lòng trong cô đã nguội lạnh khi được ở bên con trai. L. cho biết cô đang tiếp tục theo học chương trình dở dang năm nào và khoảng vài tháng nữa là tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. “Có bằng tốt nghiệp rồi, em sẽ tìm một công việc để nuôi con bằng chính sức của mình. Thiện Nhân giờ là nguồn sống của em, vì nó mà em sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa” - L. vừa nói vừa bế con vào lòng như sợ phải xa cậu bé.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Mai luôn dành tình thương yêu cho những đứa trẻ vắng cha
Qua lời kể của bà Mai, chúng tôi hiểu được những bà mẹ trẻ này đã trải qua nhiều nhọc nhằn, kể cả những tiếng đời dị nghị và bị chính người thân ruồng rẫy. Bà Mai đã từng chứng kiến những cuộc vượt cạn của họ khi không có một người thân nào bên cạnh. “Lúc đó, họ không biết cha của đứa bé sắp được sinh ra đang ở nơi nào. Còn cha mẹ họ thì lại không muốn mang tiếng xấu vì có “con gái hư” nên cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Có lẽ nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của các cô gái này cũng đã qua rồi vì chắc không thể còn nỗi đau nào hơn thế. Tôi đã rớt nước mắt khi chứng kiến từng đứa vào phòng sinh một mình. Có đứa còn nắm tay tôi và lắp bắp: “Dì ơi, con đau lắm” - bà Mai ngậm ngùi.
Bà Mai chợt nở nụ cười đôn hậu khi nhắc đến cô gái tên T.T.H. Năm 2009, H. được đưa vào sống tại “Nhà của bố” sau khi tìm mọi cách để phá bỏ đứa con trong bụng vì bị cha của bé chối từ. Sau khi được chuyên gia tư vấn ở một trung tâm phụ sản khuyên bảo, H. quyết định giữ lại con. Mặc cảm về thân phận, H. không dám nhận lời quen bất cứ chàng trai nào sau đó.
Thế nhưng, đầu năm 2012, H. đã lên xe hoa với một người đàn ông đeo đuổi cô từ lâu. Người này chấp nhận quá khứ của H. và bằng lòng sinh sống cùng với con riêng của cô. Trước tình cảm chân thành đó, H. đã đồng ý làm vợ ông và hiện nay, cô đang có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng bao dung.
Vượt qua nỗi đau, những bà mẹ trẻ đã làm lại cuộc đời trong tiếng gọi của tình mẫu tử. “Nhà của bố” là nơi cưu mang, nuôi nấng cả mẹ và con của những cô gái trẻ lỡ lầm trong chuyện tình cảm, đồng thời giúp họ cơ hội được làm lại cuộc đời bằng việc đi học. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết tất cả các bà mẹ trẻ ở đây đều đang theo học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tại TP Đà Nẵng.
Mái ấm nhân ái “Nhà của bố” là một chương trình của Tổ chức Trả lại Tuổi thơ cho em. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của cặp vợ chồng người Mỹ Robert Kalatschan - Dorothea. Trả lại Tuổi thơ cho em được thành lập vào năm 2002 với ý nghĩa cải thiện cuộc sống cho những số phận kém may mắn, đặc biệt là mang lại cho trẻ em cơ hội có được một tương lai tốt đẹp. “Nhà của bố” là một trong những chương trình có ý nghĩa, đầy tính nhân văn của Tổ chức Trả lại Tuổi thơ cho em. Đây là chương trình dành cho những bà mẹ trẻ đơn thân có một nơi sinh sống và có điều kiện nuôi dưỡng con mình mà không phải chịu bất cứ sự mặc cảm hay tủi nhục nào. Tổ chức Trả lại Tuổi thơ cho em sẽ giúp các bà mẹ trẻ theo đuổi việc học của mình để sau này có việc làm ổn định, sống và nuôi con. |
Bình luận (0)