Chị Đỗ Thị Tuyết bức xúc vì bị công ty làm khó
Bắt phạt như trẻ con
Chị Quỳnh Anh làm việc tại Công ty 3Q Vina được 6 tháng với chức danh nhân viên KCS. Chiều 9-4, chị Anh nghỉ việc do bị bệnh mà không báo với công ty. Đến sáng 10-4, chị Anh trở lại làm việc thì công ty yêu cầu chị xuống ngồi ở nhà ăn, không cho làm việc. Chị Anh kể: “Tôi bị bắt ngồi ở nhà ăn từ ngày 10 đến 17-4, sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 12 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút. Tôi bị bệnh chứ có phải trộm cắp, tham ô đâu mà công ty phạt tôi như vậy? Tôi ngồi đó, đồng nghiệp đi ra, đi vô xì xầm, tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm”. Không chịu nổi hình phạt kỳ quặc của công ty, chị Quỳnh Anh đã nghỉ việc. Công ty không trả lương những ngày chị đã làm việc, không trả sổ BHXH và ra quyết định nghỉ việc để chị làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Những người có trách nhiệm của công ty thừa nhận công ty thường xảy ra việc công nhân nghỉ việc không xin phép nên khi trở lại làm việc, công ty sẽ cho “ngồi chơi xơi nước” nhưng vẫn trả lương đầy đủ. Khi chúng tôi dò hỏi nhiều công nhân về việc này thì nhận được câu trả lời: “Đó là một sự sỉ nhục bởi một người đàng hoàng không bao giờ lại chịu nhận lương khi mình không làm việc gì cả”.
Khủng bố tinh thần
Còn chị Đỗ Thị Tuyết, tổ trưởng tổ bếp ăn Công ty Phil Inter Pharma (KCN Việt Nam - Singapore, Thuận An - Bình Dương) thì bị o ép đủ điều từ tuyên bố đuổi việc đến điều chuyển làm công việc trái nghề, ép viết đơn xin nghỉ việc…
Ngày 8-2-2011, chị Tuyết ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm, công việc là nhân viên bếp ăn, chức vụ tổ trưởng. Ngày 10-9-2011, công ty yêu cầu chị bàn giao công việc đi chợ cho một nhân viên hành chính nhân sự mà không hề đưa ra lý do. Đến ngày 4-4-2012, ban giám đốc mời tất cả nhân viên bếp đến họp và tuyên bố đuổi việc chị Tuyết mà không lập biên bản, không tìm hiểu rõ sự việc. Sau đó, ngày 6 và 7-4, công ty liên tiếp yêu cầu chị Tuyết ký vào đơn xin nghỉ việc nhưng chị Tuyết không ký. Ngày 10-4, chị Tuyết nhận quyết định điều động sang làm nhân viên đóng gói thuộc phòng sản xuất. Chị Tuyết bức xúc: “Trong quá trình làm việc, tôi không hề vi phạm, công nhân cũng không một lời than phiền về cơm nước do tôi nấu. Công ty liên tục khủng bố tôi bằng những hành động như tuyên bố đuổi việc, ép ký đơn xin nghỉ việc và ra quyết định điều động công việc là có ý muốn làm tôi chán nản rồi tự ý nghỉ việc”.
Trước bức xúc của người lao động, chúng tôi đã liên lạc với công ty và gặp một nhân viên phòng hành chính tên Nguyễn Tấn Giàu. Nhân viên này xin số điện thoại và cho biết sẽ liên lạc trả lời. Tuy nhiên, đã 10 ngày trôi qua, vẫn không thấy công ty phản hồi.
Chây ì, gây khó
Cũng o ép người lao động nhưng Công ty Interchina Management Việt Nam (KCN Bình Đường, Dĩ An - Bình Dương) lại “chơi chiêu” chây ì, gây khó, không trả lương… khiến người lao động vất vả tới lui và cuối cùng phải kiện ra tòa và chờ đợi.
Chị Nguyễn Danh Tố Trinh cho biết ngày 5-1, chị nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và đến ngày 12-1 mới nhận được quyết định. “Tôi đem quyết định đi đăng ký thất nghiệp thì bị từ chối vì quyết định không ghi rõ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thông tin kê khai trên hồ sơ đăng ký không trùng với quyết định nghỉ việc. Tôi đã nhiều lần đề nghị công ty điều chỉnh nhưng không được giải quyết nên hồ sơ thất nghiệp bị chậm trễ, không được hưởng quyền lợi. Ngoài ra, đến nay công ty cũng không thanh toán tiền lương, tiền phép năm cho tôi”- chị Trinh bức xúc.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: Có quyền kiện ra tòa Nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải xử lý theo nội quy lao động và quy định của pháp luật lao động. Tuyệt đối không được xử phạt bằng cách tước đoạt quyền làm việc; bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người lao động khi xử lý. Đặc biệt, phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người lao động khi đang thực hiện hợp đồng cũng như sau khi chấm dứt hợp đồng. Các trường hợp nêu trên, người lao động có quyền kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. |
Bình luận (0)