Một ngày sau khi xăng tăng 900 đồng/lít và dầu diesel tăng 500 đồng/lít, cước vận tải từ TPHCM đi các tỉnh đã tăng ngay 15%. Đây là mức tăng bất hợp lý vì quá cao, không tương ứng so với tỉ lệ tăng giá xăng dầu đợt này.
Khoản cước tăng thêm chắc chắn sẽ được bên thuê dịch vụ vận tải cộng dồn vào chi phí đầu vào sản phẩm khiến giá bán hàng hóa tăng lên. Rồi đây sẽ có thêm nhiều mặt hàng “té nước theo... xăng dầu” nữa như điện, than...
Trước đó, giá nhiều mặt hàng sữa đã đồng loạt tăng, tiếp đến là giá nước. Người tiêu dùng đang bị “thập diện mai phục” trong vòng vây tăng giá, chưa biết cách nào thoát ra được trong khi nền kinh tế nói chung có dấu hiệu suy thoái, sản xuất bị đình đốn, nhà nhà phải cắt giảm chi tiêu.
Đợt tăng giá lần này được hiểu là để cứu các công ty xăng dầu đầu mối đang than lỗ vì giá xăng dầu thế giới tăng. Cũng có quan điểm cho rằng trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang xuống rất thấp thì tăng giá xăng dầu vào thời điểm này là hợp lý vì sẽ không “kích” tỉ lệ lạm phát.
Cả hai cách giải thích đều nghe không lọt tai. Bởi thứ nhất, các công ty xăng dầu đầu mối chỉ báo lỗ 600 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel nhưng các bộ hữu quan lại cho tăng đến 900 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu. Sự “rộng rãi” này chỉ giúp các công ty xăng dầu được lợi; còn hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất có sử dụng xăng dầu phải tăng chi phí. Trong bối cảnh rất khó khăn về mọi mặt như hiện nay, số đông doanh nghiệp này mới cần được cứu hơn là nhóm rất nhỏ doanh nghiệp xăng dầu kia! Thứ hai, tăng giá xăng dầu trong hoàn cảnh hiện nay là không có lợi vì làm chậm hồi phục sản xuất dẫn đến khó thực hiện mục tiêu GDP 6% trong năm nay. Nếu điều chỉnh giảm chỉ tiêu GDP, các khoản an sinh xã hội sẽ giảm theo, gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân và xã hội.
Bình luận (0)