Tuy nhiên, có một nghịch lý là TPHCM đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển.
Thời hạn thí sinh nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ chỉ còn nội trong ngày hôm nay (23-4). Năm nay, thí sinh tiếp tục đổ dồn vào khối ngành kinh tế. Nhiều trường THPT chỉ có vài thí sinh đăng ký thi khối C vào các ngành xã hội; khối ngành kỹ thuật thí sinh cũng chẳng mặn mà.
Không thể trách được thí sinh khi việc chọn ngành học ngày càng mang tính thực tế. Đã học thì phải có việc làm mà một trong những lĩnh vực dễ có việc làm nhất là kinh tế. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thông tin lượng lao động các ngành kinh tế tại TPHCM đã thừa, nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành này đã phải làm trái ngành.
Thế nhưng, một thống kê cụ thể về nhu cầu nhân lực của xã hội, từ đó định hướng cho người học biết một cách cụ thể hơn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hiện vẫn chưa được cơ quan nào thực hiện. Những giáo viên hướng nghiệp ở bậc phổ thông chủ yếu là kiêm nhiệm và cũng rất thiếu thông tin để làm tròn vai trò dẫn đường chỉ lối cho học sinh trong khi một nơi đào tạo giáo viên hướng nghiệp bài bản thì nay vẫn chưa có. Các trường ĐH, CĐ vẫn đua nhau tăng chỉ tiêu một số nhóm ngành dễ tuyển như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... để đáp ứng nhu cầu của người học, coi đó là sự sống còn để tồn tại mà bỏ qua định hướng phát triển của trường cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng về tương lai phát triển của đất nước, khi sự mất cân đối ngành nghề càng trầm trọng. Rồi ai sẽ làm giáo viên, kỹ sư nông nghiệp, nghiên cứu lịch sử, địa lý.... khi những ngành này ngày càng ít thí sinh lựa chọn? Đã đến lúc cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, các trường cần tập trung cơ cấu lại ngành nghề cũng như có những giải pháp mang tính bước ngoặt để thay đổi nhận thức của người học và toàn xã hội trước thực trạng bất hợp lý này.
Bình luận (0)