Theo Thông tư số 03/2012/TT-NHNN của Ngân hàng (NH) Nhà nước về việc cho vay bằng ngoại tệ, từ ngày 2-5, NH thương mại chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
Ngân hàng bao thanh toán
Đây là điểm khác biệt so với năm 2011 bởi lúc đó nhiều DN xuất khẩu vay USD rồi lại bán số USD đó cho NH để lấy tiền đồng, tạo nên nguồn cung ảo thường làm thị trường ngoại tệ méo mó. Còn nhà nhập khẩu được phép vay ngoại tệ tại một NH có thể chứng minh nguồn tiền trả nợ bằng hợp đồng mua ngoại tệ tại NH khác khiến cầu ngoại tệ thường tăng đột biến vào những thời điểm DN đến hạn trả nợ...
Trước tình hình mới, nhiều DN nhập khẩu đã vay vốn qua phương thức NH bao thanh toán. Theo ông Lê Viết Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hanco (Hancofood), sau khi DN có hợp đồng nhập khẩu, các NH sẽ cho DN vay vốn bằng cách thanh toán tiền mua hàng hóa cho đối tác nước ngoài, rồi giữ lô hàng đó làm tài sản thế chấp. Sau đó, DN sẽ từng bước trả nợ cho NH.
Cũng do không được vay ngoại tệ, nhiều DN nhập khẩu buộc phải vay VNĐ với lãi suất khá cao. Vì thế, muốn giảm chi phí vay vốn, DN nhập khẩu thường phải tham gia các dịch vụ, chuyển tài khoản tiền gửi thanh toán… tại các NH về NH mà DN vay tiền mới lọt vào đối tượng vay vốn với lãi suất thấp.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu, cho biết hiện nay nhiều NH đã thiết kế chuỗi sản phẩm tín dụng liên hoàn dành cho DN xuất nhập khẩu, từ khâu thu mua cho đến khâu bao thanh toán hàng hóa. Vấn đề là DN tạo điều kiện cho NH kiểm soát toàn bộ dòng tiền, tạo dựng cho NH niềm tin trả nợ để dễ dàng tiếp cận vốn.
Vay vốn nước ngoài bằng hàng hóa
Để giảm mức độ vay vốn NH, một số DN xuất khẩu thường vay vốn của đối tác nước ngoài thông qua hàng hóa (thường gọi là vay hàng hóa nước ngoài). Tức là DN chưa giao hàng cho đối tác nước ngoài nhưng đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất do công ty con của đối tác nước ngoài cung cấp. Khi hàng hóa xuất khẩu của DN đến kho của đối tác nước ngoài, lập tức số tiền mà DN đã mua hàng từ công ty con của đối tác nước ngoài sẽ được đối tác này cấn trừ. Tính ra, DN xuất khẩu không phải vay quá nhiều USD của NH, đối tác nước ngoài cũng bán được hàng hóa cho DN, có lợi cho cả hai bên.
Theo các NH, việc vay hàng hóa nước ngoài không ảnh hưởng đến cung - cầu USD bởi DN xuất khẩu đã có nguồn thu ngoại tệ thay thế cho việc mua ngoại tệ. Thế nhưng, không phải DN nào cũng được vay hàng hóa nước ngoài, bởi điều kiện vay thường rất ngặt nghèo. Để phòng ngừa DN xuất khẩu Việt Nam không giao hàng, đối tác nước ngoài thường đòi hỏi DN cung cấp giấy xác nhận của NH thương mại sẽ mua ngoại tệ để thanh toán các khoản vay hàng hóa ngắn hạn, còn đối với khoản vay hàng hóa trung và dài hạn, DN phải cung cấp cho đối tác nước ngoài giấy xác nhận mua ngoại tệ của NH Nhà nước. Mặt khác, DN xuất khẩu phải nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mới được đối tác nước ngoài cho vay hàng hóa.
Lãi suất cho vay VNĐ gấp đôi lãi suất USD Theo NH Nhà nước, hiện lãi suất cho vay VNĐ phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-16%/năm (thấp nhất 13,5%/năm áp dụng đối với khách hàng DN cam kết bán ngoại tệ cho NH); lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác là 16,5%-20%/năm (thấp nhất 15%/năm); lãi suất cho vay lĩnh vực không khuyến khích từ 20%-25%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6%-7,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 7,5% -9%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn. |
Bình luận (0)