Các thùng chứa gelatin nghi ngờ chế biến từ da thuộc phế liệu của một công ty sản xuất bao con nhộng ở Chiết Giang. Ảnh: THX
Nhiều vụ bê bối
Dư luận xã hội cũng lo lắng tự hỏi sau vụ xì-căng-đan này sẽ xảy ra vụ gì nữa bởi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) dường như không học được bài học của những năm trước. Năm 2008, sữa bột trẻ em nhiễm melamine được bán ra một thời gian khá dài làm 300.000 trẻ em Trung Quốc lâm bệnh vì thận có sỏi hoặc suy thận, trong đó có 6 em chết, 860 em nhập viện.
Năm 2011, thịt heo nhiễm chất clenbuterol gây buồn nôn, rối loạn tim đã làm ngành chăn nuôi heo Trung Quốc điêu đứng. Clenbuterol - còn gọi là bột làm nạc thịt - được các ông chủ nuôi heo hám lợi dùng để sản xuất heo “siêu nạc”.
Mạng xã hội Weibo – được coi là mạng Twitter Trung Quốc – tràn ngập ý kiến ngay sau chương trình truyền hình CCTV kết thúc với gần 3,5 triệu ý kiến phản hồi. Đa số lên án các cơ quan hữu quan, đặc biệt là SFDA tắc trách, yếu kém.
Một độc giả có nickname Giả Hiểu Tuyết bức xúc: “Có phải chỉ có vụ bao con nhộng thôi hay không? Liệu chúng ta có tiếp tục tin tưởng vào các hãng bào chế thuốc vô lương tâm?”.
Một người khác có nickname Galen Giang đăng ảnh ông Ấn Lực, Cục trưởng SFDA, và yêu cầu ông từ chức. Họ Giang viết: “Bao con nhộng độc hại tràn ngập thị trường quá lâu mà cục trưởng vẫn không hay biết, vậy xin ông hãy từ chức và nhận trách nhiệm cho dân nhờ. Nếu ông khước từ, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến này”. Và thật vậy, ý kiến trên đã được đăng hơn 230.000 lần tính đến ngày 19-4.
Một blogger tên Lâm Ngọc nhận xét: “Nếu vụ việc xảy ra ở phương Tây, bộ trưởng y tế hoặc cục trưởng SFDA đã tuyên bố từ chức. Còn ở nước ta, các vị vẫn bình chân như vại. Thật buồn”. Cư dân mạng cũng không quên nhắc lại hồi tháng 5-2007, cựu cục trưởng SFDA Trịnh Tiêu Du bị tử hình về tội chứng nhận chất lượng (dỏm) cho 8 công ty dược phẩm để “ăn” hối lộ 850.000 USD.
Diễn viên điện ảnh liên đới
Trong vụ bao con nhộng làm bằng chất keo nhiễm kim loại nặng crôm chiết xuất từ phế liệu da thuộc, có 9 sao Hoa ngữ nổi tiếng bị chỉ trích trên mạng vì quảng cáo thuốc con nhộng của Công ty Tu Chính Cát Lâm. Trong số này, có diễn viên điện ảnh Tôn Hồng Lôi (phim Nội gián), Lâm Vĩnh Kiện (phim Kim Khánh hôn nhân) và Trần Kiến Bân (người đóng vai Tào Tháo rất ấn tượng trong phim Tam quốc chí của đạo diễn Cao Hy Hy).
Họ Lâm quảng cáo thuốc cảm cúm dạng con nhộng, còn họ Trần quảng cáo thuốc bổ thận. Công ty Tu Chính Cát Lâm đã bỏ ra rất nhiều tiền để mời những người nổi tiếng trong làng giải trí làm đại diện công ty. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết chỉ riêng tháng 3 vừa qua, công ty đã chi 346 triệu tệ (1 tệ = 3.305 đồng) tiền quảng cáo sản phẩm trên CCTV và các kênh truyền hình vệ tinh cấp tỉnh. Nhờ vung tiền quảng cáo và được những người nổi tiếng hỗ trợ hình ảnh, doanh thu của công ty năm 2011 đạt khoảng 11,5 tỉ tệ.
Theo dư luận xã hội, các sao phải chia sẻ trách nhiệm trong vụ xì-căng-đan bao con nhộng. Trương Trịnh, 30 tuổi, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, phát biểu trên tờ Thời báo Hoàn cầu: “Các sao phải bị trừng phạt vì họ đã lợi dụng ảnh hưởng xã hội của mình để mưu cầu lợi ích kinh tế trong khi lơ là với chất lượng sản phẩm”.
Tuy nhiên, theo luật sư Đường Hướng Kiện của công ty luật Boyou ở Bắc Kinh, việc đó không có cơ sở pháp lý vì không có điều luật nào quy định các diễn viên điện ảnh nói trên chịu trách nhiệm vì đã quảng cáo sản phẩm không an toàn. Không phạm luật nhưng theo giáo sư Chu Lý Giai thuộc Học viện Quản trị, “họ đáng bị phê phán về mặt đạo đức”.
Lỗi ở cơ chế
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ bê bối bao con nhộng độc hại nằm trong quy định của SFDA và chủ trương chính quyền các cấp. Nhật báo Trung Quốc cho biết theo quy định của SFDA, bao con nhộng làm bằng gelatin chiết xuất từ xương động vật được coi là sản phẩm y tế phụ. Các công ty dược phẩm phải chịu trách nhiệm về chất lượng bao con nhộng. Cơ quan y tế ít khi làm xét nghiệm, kiểm tra chất lượng bao con nhộng. Các công ty dược phẩm càng ít kiểm tra hơn hoặc cố ý dùng bao con nhộng chế biến từ gelatin công nghiệp để hạ giá thành sản phẩm.
Các công ty dược Trung Quốc vốn chịu áp lực rất lớn về giá cả. Việc chính phủ trung ương mở rộng diện bảo hiểm y tế đến 95% dân số kể từ năm 2009 buộc chính quyền địa phương đưa ra một số chính sách nhằm cắt giảm chi phí y tế mới đáp ứng được chủ trương này.
Năm 2010, phó chủ tịch tỉnh An Huy, một trong các tỉnh nghèo nhất nước, có sáng kiến ban hành quy chế mới đấu thầu thuốc các bệnh viện nhằm cắt giảm 30% chi phí, theo đó, những công ty dược phẩm trúng thầu cam kết cung cấp thuốc có chất lượng với giá thấp nhất.
Sau An Huy, 16 tỉnh khác cũng noi theo áp dụng phương thức đấu thầu tương tự buộc các công ty dược hạ giá thành tối đa để có thể trúng thầu. Jason Mann, một nhà phân tích kinh tế ở Hồng Kông, nhận định: “Phương thức đấu thầu đó khiến các công ty không còn cách nào khác hơn cắt giảm chất lượng”.
Bình luận (0)