“Ăn chặn” tiền của người nghèo
Theongười dân phản ánh, một trong “chín điều sai” tồn tại dai dẳng tại xã Tiên Kỳ là việc ăn chặn, bớt xén tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát. Theo đó, hàng năm các hộ nghèo của xã được hỗ trợ để xây nhà theo chương trình xóa nhà tranh tre dột nát bằng nguồn vốn của Hội chữ thập đỏ.
Riêng năm 2007, toàn xã có 9 hộ được hỗ trợ xây nhà ở, mỗi hộ được 19 triệu đồng/hộ, khi có tiền về, xã tập hợp lại các hộ dân này rồi trước khi phát tiền, đã ngỏ ý “xin” mỗi hộ 1 triệu đồng.
Dân thắc mắc số tiền 1 triệu đồng thu để làm gì thì lãnh đạo xã chỉ trả lời chung chung, kiểu như đó là tiền hỗ trợ cán bộ làm công tác kiểm tra.
Để nhận khoản tiền này các hộ nghèo phải nộp thêm 100.000 đồng/hộ, theo lý giải của “quan xã” là tiền làm hồ sơ.
Chưa hết, khi thực hiện cấp con giống theo Chương trình 135 cho các hộ nghèo, cán bộ xã đã áp dùng bằng hình thức đối với những hộ đủ điều kiện được nhận bò là nếu hộ nghèo muốn nhận thì phải hoàn thành quỹ thuế, mặc cho bò đã đưa về xã nhưng vẫn chưa chịu bàn giao khi chưa nộp đủ.
Đã vậy, xã còn ra một cái gọi là “tự nguyện còn hơn cả ép buộc”, đó là hộ nào muốn dắt được bò về nhà thì phải nộp 100.000 đồng đến 200.000 đồng/hộ, trường hợp cá biệt hơn là gia đình ông Nhân phải nộp 1 triệu đồng cho xã.
Thấy sự việc quá bất cập và việc thu tiền không minh bạch nên ông đã làm đơn khiếu nại, thấy không thể nuốt trôi khoản tiền này, chính quyền xã đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thu của hộ gia đình ông Nhân.
Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ số tiền hỗ trợ Tết này đến được tay người nghèo, còn lại chính quyền xã đã tự ý trừ hết vào nợ tồn đọng của các hộ dân.
Đặt “luật riêng” trái quy định
Ngoài chuyện tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo bị cắt xén thì các khoản tiền khác như xây dựng đường điện 04 (đường điện 4 pha), xã Tiên Kỳ cũng có những việc làm sai trái, không hợp lòng dân.
Điều đáng nói là đến nay, xã vẫn chưa công khai minh bạch việc hộ nào chưa thu và còn bao nhiêu tiền dân không hay biết. Trớ trêu thay có tiền rồi nhưng quá trình làm đường điện thì trong tổng số 11 xóm đến nay mới chỉ làm được 7 xóm đường điện 4 pha, còn 3 xóm vẫn đang dùng đường điện 2 pha mặc dù những xóm này đã đóng tiền. Bất bình nhất là chuyện xây dựng công trình kiên cố hóa mương thủy lợi.
Năm 2002, xã được đầu tư xây dựng kênh mương, kiên cố hóa nội đồng. Khi công trình đang xây dở thì chủ tịch UBND xã Trương Công Hồng (nay là Chủ tịch MTTQ xã) đã bất ngờ ký giấy thông báo các xóm ngừng thi công, số xi măng còn lại chưa sử dụng là 96 tấn, đã được xã cho một số hộ dân thuộc các xóm 1, 3 và 4 vay.
Đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, nhiều lần dân tình ngỏ ý tiếp tục công trình, xã lúng túng vì không đòi lại được số xi măng nói trên. Lại nữa, năm 2007 - 2008, gạo cứu đói của dân được Chính phủ cấp, sau khi về đến UBND xã, chẳng biết bằng cách nào mà một số tiểu thương đã đến và mua lại được một số lượng lớn, trong đó có chị Nhàn bán tạp hóa trước cổng ủy ban mua được 200 kg.
Thêm một việc làm khuất tất, sai trái nữa là việc thu thuế nông nghiệp của dân từ năm 2001 - 2008 trái quy định. Theo đó, trong khoảng thời gian này, UBND xã tự đặt ra cái gọi là “thu hoa lợi trên đất nông nghiệp” của bà con nông dân bằng lúa, trên diện tích đất sản xuất của từng hộ. Dựa trên đất sản xuất của địa phương, xã tiến hành thu mỗi sào đất nông nghiệp từ 2 - 6 kg/năm tùy từng loại đất.
Khi tiến hành, nhiều hộ phản đối nên hộ thu được, hộ không thu được, đến năm 2009 do nhiều người thắc mắc nên xã bỏ thu thóc mà chuyển sang khoản thu mới bằng tiền (70.000 đồng/hộ/năm), gọi là tiền quỹ cho xóm hoạt động. Được biết, từ năm 2000, Nhà nước đã có chủ trương miễn thuế nông nghiệp cho nông dân.
Thanh tra huyện Tân Kỳ đã nhận được đơn thư tố cáo chính quyền của nhân dân xã Tiên Kỳ từ năm 2009, quá trình xác minh đơn thư, những nội dung tố cáo của nhân dân là có cơ sở. Tuy nhiên, việc tiếp thu và sửa sai, “quan xã” nơi đây vẫn dửng dưng, chiếu lệ.
Bình luận (0)