Câu chuyện tình yêu của anh lính trốn nhà đi bộ đội và cô chủ tịch xã
Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của bà Hà Thị Tính (SN 1937, trú tại phường Trường Thi, Tp Vinh, Nghệ An) vào một ngày cuối tháng tư. Căn nhà nhỏ được ngăn ra một bên là quán ăn nhỏ của đứa cháu ngoại, phòng kế bên là thế giới riêng của bà. Nhưng ít khi bà có mặt ở phòng bởi gần như suốt ngày bà chìm đắm trong thế giới của những tiếng mõ tụng kinh và những lời răn dạy của Phật. Bà bảo bà tìm được sự yên bình trong từng câu kinh sau những biến cố lớn của cuộc đời.
Chúng tôi gợi về chuyện cũ, bà cười nhưng nụ cười pha lẫn chút gì đó chua xót và đau đớn. Tự nhiên chúng tôi thấy mình tàn nhẫn quá, gợi lại quá khứ của người vợ liệt sĩ đã phải gánh chịu quá nhiều nỗi đau. Nhưng rồi ký ức về câu chuyện tình yêu của cô chủ tịch xã và anh lính trốn nhà đi bộ đội cứ thế hiện lên qua lời kể chầm chậm của bà.
Tuy ở cùng một xã nhưng cô gái xinh đẹp Hà Thị Tính không hề biết đến chàng trai Trần Văn Minh (SN 1930) bởi chênh lệch tuổi tác giữa hai người không đủ gần để chơi với nhau. Tính chỉ biết đến anh Minh “bên kia sông” khi câu chuyện anh khai tăng tuổi để đi lính trở thành đề tài “nóng” của bà con trong xã. Năm đó, anh Minh mới 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 trường huyện.
Chỉ có 80 ngày làm vợ đúng nghĩa nhưng bà hạnh phúc với tình yêu của mình
Đến tháng 10/1957, hai người họ chính thức làm đám cưới trong sự chúc phúc của mọi người. Ấy thế nhưng đêm tân hôn, cô dâu trốn biệt ngoài sân không chịu vào nhà. “Nhà người lạ, tôi không dám vào ngủ. Mà anh ấy cũng ở lỳ trong nhà, nhất quyết không chịu ra xem vợ thế nào. Tôi đứng ngoài sân đến khi trời mờ sáng lên đường xuống huyện đi họp. 3 ngày sau trở về thì anh Minh đã lên đường trở về đơn vị. Phải đến nửa năm sau chúng tôi mới trở thành vợ chồng đúng nghĩa. 9 tháng sau con bé Loan ra đời”, bà nhớ lại.
Nhiệm vụ của một Chính ủy Lữ đoàn 316 khiến ông đi biền biệt, cả quãng thời gian 10 năm làm vợ, bà chỉ có vẻn vẹn 80 ngày được ở gần chồng. Xa cách bởi bom đạn chiến tranh khốc liệt nhưng tình yêu của họ được nhen nhóm và hâm nóng bằng những lá thư ông viết vội giữa chiến trường, lá thư ấy luôn được bắt đầu bằng dòng chữ “em duy nhất của anh”. Chỉ cần chừng ấy thôi, đủ biết tình yêu của ông dành cho bà nhiều đến nhường nào. Chừng đó cũng khiến bà có thêm động lực để vượt lên khó khăn của cuộc sống những ngày bom đạn khốc liệt, chăm sóc mẹ chồng và 3 đứa con dại, để bà có thêm nghị lực giành giật sự sống cho đứa con trai độc nhất bị nhiễm chất độc da cam từ bố.
Năm 1967, cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, ông được cử tham gia nhiệm vụ bí mật ở mặt trận Lào - Thái. Và ông đã mãi mãi không trở về…
Và những cuốn nhật ký chờ chồng
Một ngày mùa thu của năm 1967, bà nhận được giấy báo tử của chồng, lúc đó đứa con gái đầu mới được 7 tuổi, thằng con thứ 3 tật nguyền thì mới lên 2. Tim thắt lại nhưng bà tự trấn an mình: “Anh ấy đi nhiệm vụ đặc biệt, chỉ có tổ chức biết thôi vậy thì tại sao lại có giấy báo tử được. Chắc đây là kế hoạch của tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ khác quan trọng hơn”.
Ai nói gì bà cũng bỏ ngoài tai và đinh ninh với giả thiết của mình. Thế nhưng người đàn bà với vỏ bọc mạnh mẽ ấy đã khóc thầm bao nhiêu đêm. Những đêm dài vò võ, sau khi cho con đi ngủ, bà trở dậy trút hết nỗi lòng nhớ mong của mình vào những trang nhật ký viết cho chồng. Những trang nhật ký đã úa màu và nhòe nhoẹt bởi mỗi dòng chữ đều thấm đẫm nước mắt của người vợ, những dòng chữ xiêu vẹo bởi nỗi đau chất chứa quá lớn.
Những trang nhật ký bà Tính viết cho chồng đã úa màu thời gian nhưng thấm đẫm tình yêu và cả sự xót xa, đau đớn vô bờ
Gần 20 năm chờ đợi, đến bây giờ bà mới chịu tin sự thật đau đớn ấy. Người phụ nữ ấy bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt của chồng. Gửi con cho người thân, bà mang ba lô lên đường, lần theo địa chỉ của những đồng đội, lặn lội dọc dòng sông Mê Kông trầm vỹ để xác thực nỗi đau vô bờ. Rồi bà cũng tìm được ông, dẫu đau đớn tột cùng nhưng cuối cùng ông đã về bên bà và các con sau hàng chục năm trời cách biệt.
Dẫu thế, bà không thể bỏ thói quen viết nhật ký cho chồng. “Viết cho anh ấy tôi như trút bỏ được những buồn phiền, khổ đau trong cuộc sống. Cứ lúc nào tưởng chừng mình sắp gục ngã, những lúc nào tôi thấy mình yếu đuối bởi những va vấp trong cuộc sống tôi lại trút cõi lòng mình vào đó, cứ như thể anh Minh đang lắng nghe, đang san sẻ khổ đau với tôi”, bà chia sẻ.
Thế nhưng, xen lẫn với những nhớ thương có một chút gì đó là nỗi cô đơn khắc khoải, một chút trách móc dỗi hờn: “Cuộc đời anh, tuy thương vợ, thương con nhưng vợ con chỉ có một phần bé nhỏ trong trái tim anh. Anh đã từng nói với em: “Trong chiến đấu, trước mắt anh là nhân dân và kẻ thù”. Như vậy, cuộc đời anh, anh trọn vẹn với nhân dân, còn em và con anh bỏ lại”…. “Anh đi anh im lặng! Để lại cho cuộc đời 4 mẹ con em đầy đắng cay và đau khổ. Năm 1965, Sơn ốm em phải đưa con đi Bệnh viện B Hà Nội, trong lúc lương anh không có, tổ chức cho em nghỉ việc không lương để chạy chữa cho con… Thế là mẹ con em sống giữa Hà Nội bằng không khí, không tiền! Không gạo! Không quần áo!”.
Bao nhiêu năm qua, bà sống với tình yêu cháy bỏng và thầm lặng với người chồng liệt sĩ của mình
Gần 40 năm qua, viết bao nhiêu cuốn nhật ký rồi, bà cũng không còn nhớ nữa. Nỗi đau của một góa phụ cứ như đè nặng lên tâm can bà, nhưng bà có đau nỗi đau của riêng mình đâu. Bà khổ tâm bởi một lẽ, đứa con trai độc nhất của bà ngày ngày phải chịu đau đớn bởi di chứng chất độc da cam từ bố. Những lúc bất lực trước bệnh tật của con, bà lại tìm sự an ủi trong những trang nhật ký viết cho chồng. “Mỗi lần cho con ăn em lại khóc. Em còn sống, em thay anh chăm sóc Sơn, em chết đi, ai chăm sóc con?... Đã hơn 30 năm rồi nhưng có những đêm em không thể nào chợp mắt được”.
Bà cứ sống với nỗi đau đớn đó cho đến cuối năm 2011, anh Sơn ra đi mãi mãi sau gần 40 năm chống chọi với bệnh tật. Từ đó bà không còn viết nhật ký nữa mà sống tĩnh tâm với triết lý nhà Phật. Bà tìm niềm vui trong cõi niết bàn và hưởng phúc từ sự hiếu thảo của 2 cô con gái và 6 đứa cháu, chắt của mình.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, có lẽ không còn nỗi đau nào có thể chạm tới bà nữa…
Bình luận (0)