Chưa có nhiều yếu tố tích cực để kích thị trường chứng khoán. Trong ảnh: Nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt (TPHCM). Ảnh: Hồng Thúy
Kiểm tra sức cầu
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3-5, VN-Index mất 3,66 điểm, còn 468,8 điểm; HNX-Index tăng 0,34 điểm vào cuối phiên, lên 79,69 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 200 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.500 tỉ đồng, sụt giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn tăng khoảng 15% - 20% so với 2 tuần trước lễ.
Thực tế, trong phiên này, đề án miễn, giảm và dãn thuế cho doanh nghiệp với tổng trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng đang được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất đã lan nhanh vào buổi sáng nhưng vẫn không hỗ trợ được tâm lý nhà đầu tư khiến thị trường vẫn giảm hơn 6 điểm khi kết thúc buổi sáng.
Sang buổi chiều, thị trường đã có lực kéo trở lại với tin đồn trần lãi suất cho vay sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC (SJCS), nhận định các nhà đầu tư tổ chức đang xả hàng với mục đích kiểm tra lại sức cầu. Nếu kết quả cho thấy lực cầu vẫn mạnh thì thị trường sẽ khó giảm sâu trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, trong phiên này, các nhóm cổ phiếu lớn, nằm trong rổ VN30 như MSN, BVH, VIC… đều giảm điểm mạnh khiến VN-Index bị ảnh hưởng.
Nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán khác cũng cho rằng thị trường đang có dấu hiệu xả hàng.
Chờ thông tin hỗ trợ
Một chuyên gia chứng khoán nhận xét thực tế hiện nay thị trường vẫn chưa rõ xu hướng vì đang giằng co chờ thông tin tích cực có thể tác động trực tiếp đến thị trường. Đó là thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng chính sách lãi suất, miễn giảm thuế…. Đặc biệt là trong ngày hôm qua (3-5), có thông tin sẽ áp trần lãi suất cho vay trong tháng này. Đây là thông tin được hầu hết các doanh nghiệp và giới đầu tư chờ đợi.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích đầu tư Công ty CP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), cho rằng thị trường trong ngắn hạn có dấu hiệu xấu đi. Nhìn vào dòng tiền có thể thấy thời gian vừa qua, các kênh đầu tư đều khó khăn nên nguồn tiền đã chảy vào chứng khoán chứ thực tế không phải do nền kinh tế tốt lên. Nay nguồn tiền này đang có dấu hiệu rút dần từ các nhóm nhà đầu tư tổ chức. Đặc biệt, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng trong tháng 4 vừa qua. Nhiều khả năng họ sẽ không quay lại ngay trong giai đoạn này, nhất là khi thị trường chưa thay đổi nhiều so thời điểm họ bán.
Cũng theo ông Phan Dũng Khánh: Về phân tích kỹ thuật, HNX-Index trên sàn Hà Nội đã 11 lần đụng ngưỡng 80 điểm trong vòng một tháng qua cho phép nhà đầu tư có thể nghi ngờ về khả năng khó vượt rào qua ngưỡng này.
“Trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, dù không có nhiều thông tin tốt nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng dần. Trong khi tháng 3 và tháng 4 có khá nhiều thông tin hỗ trợ tích cực nhưng thị trường lại không tăng mạnh hơn. Điều này cho thấy thị trường đã đạt đến đỉnh của sự lạc quan và đang tăng điểm trong sự nghi ngờ. Vì vậy, nếu không có thông tin tích cực kéo chỉ số vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng thì rất nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh sâu trong ngắn hạn” - ông Phan Dũng Khánh dự báo.
Chiến lược chốt lời từng phần đối với nhóm cổ phiếu tăng nóng tiếp tục là cần thiết. Việc bán đuổi tại vùng giá thấp là chưa nên. Nhà đầu tư vẫn có thể giữ lại một tỉ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, đặc biệt là nên ưu tiên các mã chưa tăng nóng trên sàn Hà Nội. (Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt) |
Bình luận (0)