xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

31 năm mới có ngày này

THẢO HƯƠNG

Cách đây 31 năm, ông François Hollande từng làm việc ở Điện Élysée (Phủ Tổng thống) với tư cách là đặc phái viên kinh tế thời Tổng thống François Mitterrand. Ngày 15-5, ông sẽ trở lại phủ với tư cách là tổng thống thứ 24 của nước Cộng hòa Pháp

31 năm là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với một chính khách luôn cố gắng hết mình nhưng không được đánh giá cao. Serge Raffy, tác giả cuốn Hành trình bí mật của François Hollande (2011), kể lại: “Cách đây 2 năm, khi tôi bắt đầu viết tiểu sử ông ấy, thiên hạ cười vào mặt tôi. Theo họ, đó là một việc làm buồn cười vì François là một kẻ thất bại. Tất cả mọi người gọi ông như thế”.

Ảnh hưởng của mẹ

François Hollande chào đời ở Rouen, tỉnh Seine-Maritime, ngày 12-8-1954, là con út của một bác sĩ tai mũi họng và một cán sự xã hội. Con đường học vấn của ông giống như nhiều chính khách nổi tiếng Pháp, đều trải qua các trường đại học nổi tiếng như Đại học Luật Paris, HEC (Đại học Thương mại) Paris, Học viện Chính trị Paris và ENA (Quốc gia Hành chính) - nơi ông tốt nghiệp khóa Voltaire (1980) hạng 7.

Quyết định trở thành chính khách của ông Hollande khởi nguồn từ Mỹ. Mùa hè năm 1974, ông sang Mỹ đi từ New York đến San Francisco tìm hiểu về ngành thức ăn nhanh, đặc biệt là McDonald’s và KFC, 2 biểu tượng của toàn cầu hóa. Lúc đó, ông dự báo nước Pháp sẽ bị hai ông lớn này “xâm lăng”. “Tôi có thể trở thành triệu phú nếu kinh doanh bánh thịt băm phô mai.
Nhưng cuối cùng tôi chọn chính trị” - ông Hollande từng bộc bạch như vậy trên nhật báo Mỹ The New York Times. Trong quyết định này có ảnh hưởng của mẹ ông, bà Nicole Tribert, người mà ông hay khoe là “đồng đội thân thiết nhất của tôi”. Bà Nicole từng đại diện Đảng Xã hội ứng cử hội đồng thành phố Cannes năm 2008. Ông gia nhập Đảng Xã hội năm 1979. Thần tượng của ông lúc đó là François Mitterrand.
img
Tổng thống đắc cử François Hollande. Ảnh: AP
Nếu như ông Nicolas Sarkozy, người vừa bị ông đánh bại hôm chủ nhật vừa qua, từng mơ làm tổng thống từ năm lên 10 tuổi thì ông Hollande chỉ dám mơ làm bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp, như ông từng khiêm tốn nói với bạn bè cách đây 4 năm, theo tờ Le Monde. Thật vậy, suốt 31 năm qua, ông chưa từng được bổ nhiệm vào nội các lần nào. Ngự trị ở Điện Élysée do vậy được mô tả là một giấc mơ khó thành sự thật.

Tuy nhiên, khi cơ hội đến, ông Hollande đã giành lấy nó với quyết tâm của một người biết lắng nghe, có lập trường kiên định. Đó là năm 2004. Đảng Xã hội do ông làm bí thư thứ nhất thắng lớn trong cuộc bầu cử cấp vùng và cấp tỉnh. Tháng 6, đảng này tiếp tục thắng lớn tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu với tỉ lệ 28,9%, một kỷ lục lúc bấy giờ.

Cũng năm 2004, ông Hollande chủ trương ủng hộ hiến pháp châu Âu, trong khi Laurent Fabius, nhân vật số 2 trong đảng, nói “không”. Ông tổ chức bỏ phiếu nội bộ. Kết quả, phe “đồng ý” thắng với 59% phiếu bầu. Kể từ đó, ông được xem là ứng cử viên tiềm năng ghế tổng thống Pháp của Đảng Xã hội.

Mùi chiến thắng tuy vậy không tồn tại được lâu. Năm 2005, cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp châu Âu kết thúc với phần thắng nghiêng về phía nói “không”. Đảng Xã hội chia rẽ sâu sắc giữa hai phe “đồng ý” và “không đồng ý”. Hình ảnh của đảng phai mờ vì thiếu một nhà lãnh đạo được đa số ủng hộ.

Một thân một mình

Năm 2009, sau khi rời khỏi ghế lãnh đạo Đảng Xã hội, ông Hollande bắt đầu trở lại cuộc đua lớn nhất đời ông trong sự cô độc. Trong đảng, ông không còn gì cả. Các nhà báo quên đến thăm ông. Ông không có một bộ não cần thiết hay một nhà tri thức nổi tiếng bên cạnh cỡ Bernard-Henri Lévy, người từng ủng hộ Dominique Strauss-Kahn (DSK).
Ông tự nguyện xa lánh nhà tri thức này. Thậm chí, ông không có thư ký riêng. Chỉ có khoảng 6 người là bạn bè thân thiết hơn 40 năm giúp ông. Lúc đó, chỉ có 3% cử tri chấm ông trong các cuộc thăm dò dư luận.

Nhưng “ông 3%” có một kế hoạch rất nghiêm túc. Thức khuya, dậy sớm, ông đọc, tra cứu và sắp xếp tài liệu. Ông ăn kiêng giảm béo, bắt chước cách nói chuyện, cách đi đứng của thần tượng Mitterrand, tuyên bố cải cách thuế (đánh thuế mạnh người giàu) và giáo dục là kim chỉ nam trong cương lĩnh chính trị tranh cử tổng thống của ông.

Tháng 3-2011, François Hollande chính thức vận động tranh cử sẵn sàng đấu với DSK là một địch thủ “trên cơ” mọi mặt, người được cho là kỳ phùng địch thủ duy nhất của ông Sarkozy. Tháng 5, hy vọng của ông Hollande bừng sáng sau khi ông tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế DSK bị bắt tại New York về tội cưỡng hiếp người hầu phòng khách sạn Sofitel. Nhiều tên tuổi lớn bỏ DSK, quay sang ủng hộ “ông 3%”.

Và bất chấp những lời gièm pha như “Francois Hollande làm tổng thống ư? Đừng có mơ” của ông Laurent Fabius hoặc “Ông ấy mà trị vì nước Pháp ư?” của ông Sarkozy, ông Hollande vẫn kiên trì. Trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, ông Hollande là ứng cử viên duy nhất một thân một mình vận động tranh cử và chiến thắng.

Kỳ tới: Lặng lẽ một bóng hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo