Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC), đơn vị sở hữu giàn khoan khổng lồ 981, cho biết đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc tổ chức khoan dầu ở vùng nước sâu, đồng thời khẳng định Trung Quốc là nước đầu tiên khai thác các nguồn khí đốt và dầu mỏ ở Biển Đông.
Giàn khoan 981 bắt đầu hoạt động sáng 9-5. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đây là giàn khoan dầu vùng nước sâu đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Biển Đông giàu dầu mỏ và khí đốt
Thông thường, độ sâu hơn 300 m được gọi là vùng nước sâu, độ sâu hơn 1.500 m được gọi là vùng cực sâu. Trên toàn cầu, 30 – 40% tài nguyên biển nằm ở vùng nước sâu và khoảng một nửa các địa điểm khai thác nằm xa bờ.
Biển Đông ước tính có khoảng 23 – 30 tỉ tấn dầu và 16 ngàn tỉ m³ khí đốt, nằm rải rác trong diện tích 1,54 triệu km² vùng nước sâu. Trung Quốc đánh giá Biển Đông có tiềm năng trở thành khu vực khai thác dầu nước sâu lớn thứ tư thế giới, xếp sau khu vực “Tam giác vàng” giữa Vịnh Mexico, Brazil và Tây Phi. |
Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm tuyên bố: “Các giàn khoan dầu nước sâu là lãnh thổ di động của Trung Quốc và là vũ khí chiến lược để phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của chúng tôi”.
Tân Hoa Xã cho biết việc khoan dầu ngày 9-5 là “bước đầu tiên trong hoạt động thăm dò khí đốt và dầu khí của khu vực nước sâu rộng 25 km² này”. Theo ông Thi Hòa Sinh, kỹ sư địa chất của CNOOC chi nhánh Thẩm Quyến, giàn khoan thế hệ thứ sáu 981 sẽ hoàn tất khoan ở độ sâu 2.335 m để tiếp cận mỏ khí đốt có trữ lượng ước tính 30 tỉ m³. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tìm ra 700 triệu tấn dầu và 1,2 ngàn tỉ m3 khí đốt trong khu vực rộng 25 km² này. Có hàng chục khu vực như vậy ở phía bắc biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)” – ông Thi nói.
Giàn khoan 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m, nặng 31.000 tấn và thuộc kiểu nửa chìm, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m.
Trước nay, hầu hết hoạt động khai thác dầu khí của Trung Quốc chỉ ở độ sâu chưa đến 300 m. Nhờ siêu giàn khoan 981, Trung Quốc có thể khai thác dầu ở độ sâu từ 300 m gần bờ đến độ sâu 3.000 m ngoài biển khơi. Ngoài ra, theo một nguồn tin Trung Quốc, giàn khoan 981 có thể dùng vào mục đích quân sự trong trường hợp cần thiết.
Vị trí giàn khoan 981 ở cách Hong Kong 320 km về phía đông nam. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vị trí giàn khoan dầu 981, nằm cách Hong Kong 320 km về phía đông nam. Nguồn: Google Map
Trung Quốc cũng kỳ vọng 981 sẽ giúp giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Hiện nước này phải nhập hơn 55% nhu cầu dầu thô và 20% nhu cầu khí đốt. Đó là lý do Trung Quốc đổ tiền của vào nghiên cứu công nghệ khai thác dầu khí. “Tàu sân bay dầu khí” 981 ngốn hết 6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 952 triệu USD) và 3 năm nghiên cứu chế tạo. 981 có thể chịu được rung lắc của các cơn bão cực lớn và hệ thống trụ đỡ dưới nước của nó có thể đối phó với những sự cố kiểu như vụ tràn dầu của BP ở Vịnh Mexico năm 2010.
Trung Quốc đưa giàn khoan 981 ra Biển Đông từ giữa năm 2011 và đã gây ra nhiều lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, vì đây được coi là một phần trong chiến lược bành trướng xuống Biển Đông nhằm khai thác dầu khí bất chấp UNCLOS 1982, luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử ở biển Đông 2002.
Bình luận (0)