TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng mua bán nợ đã diễn ra tại Việt Nam từ năm 1990 đến nay, song song với quá trình xử lý nợ của các ngân hàng (NH). Hoạt động này diễn ra ngay trong điều kiện bình thường nhưng đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế cần cải tổ, xử lý các vấn đề khủng hoảng NH.
Ngày càng sôi động
Tính đến nay, DATC đã mua được gần 7.000 tỉ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các NH thương mại Nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN khách nợ đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các NH, qua đó giúp các NH thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính.
Ngoài DATC, tại Việt Nam, hiện có khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các NH thương mại có chức năng tiếp nhận và xử lý nợ xấu cho các NH mẹ. Trong quý I năm nay, hoạt động mua bán nợ trở nên sôi động hơn do ngày càng có nhiều DN phá sản, ngừng hoạt động. Nhiều tổ chức mua bán nợ của các NH thương mại đã xúc tiến giao dịch để giải quyết nợ xấu của các DN nhằm cứu DN và ổn định “sức khỏe” cho chính NH cho vay.
Sẵn cung nhưng thiếu cầu
Tuy vậy, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến nay vẫn chưa lớn mạnh, tầm vóc chưa tương xứng với yêu cầu thực tế, nhất là khi đã có hơn 90.000 DN phá sản, đóng cửa trong 16 tháng qua. Thực tế này đòi hỏi phải đẩy mạnh việc hình thành thị trường mua bán nợ chính thức.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, mua bán nợ là hoạt động đỉnh cao của hệ thống tài chính, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và chịu trách nhiệm về đồng vốn của mình nên tốt nhất DN hoạt động trong lĩnh vực này phải là các đơn vị tư nhân. Hiện tại, một số NH thương mại đã thành tập đoàn tài chính, công ty mua nợ (công ty con) nhưng các NH thương mại lại chưa có thói quen bán nợ xấu, thiếu chuyên môn về quản trị... Ngoài ra, tại Việt Nam mới chỉ có mua bán nợ dưới dạng tài chính, chưa có đội ngũ nhân sự tham gia làm mới, thay đổi cấu trúc công ty để hoạt động hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Hiển, trước đòi hỏi cấp bách về tái cấu trúc NH, DATC hiện chưa đủ lực. Vì vậy, nên kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư, các định chế tài chính nước ngoài. Đặc biệt, phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán nợ. TS Võ Trí Thành cho rằng trong hoàn cảnh đặc biệt, Nhà nước cần can thiệp về kỹ thuật và giám sát việc mua bán nợ để giảm thiểu thiệt hại. Đây là cách một số nước như Mỹ, Nhật Bản… đã làm.
Nên “tăng lực” cho DATC Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, cho biết kiến nghị về hình thành thị trường mua bán nợ đã từng được đề cập nhưng tính khả thi thấp vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, hành lang pháp lý khá ngặt nghèo, không nới rộng cho tất cả các thành phần kinh tế, ngay cả khi mở ra thì cũng không nhiều đơn vị có đủ khả năng tài chính để đảm đương vì tính rủi ro trong hoạt động kinh doanh đặc thù này rất cao. Nên chăng Nhà nước cho phép DATC được mua nợ của các DN với quy mô lớn, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có khả năng hồi phục nếu được xử lý nợ xấu.
Bình luận (0)