Vườn sưa 800 cây
Là nhân vật chính trong phóng sự Người giữ rừng cuối cùng của Suối Nhung năm 2001 của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước, đến tháng 10-2002, ông Trần Đức Tiến (SN 1950, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bị ban giám đốc cũ của Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung đơn phương thanh lý hợp đồng giữ 1.000 ha rừng nhưng không trả tiền công trong nhiều năm.
Ông Trần Đức Tiến và vườn sưa 6 năm tuổi của mình. Ảnh: TÂN TIẾN
Trái và hạt sưa.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn sưa được trồng dưới tán điều, ông Tiến cho biết hiện trong vườn nhà ông chỉ còn 800 cây (số còn lại ông chia cho anh em, người thân trồng). Mỗi cây sưa hiện tại của ông Tiến có đường kính từ 12 cm - 15 cm. Theo ông Tiến, để cây phát triển nhanh, phải trồng thưa, mỗi năm đường kính cây tăng trưởng từ 1 cm - 2 cm. Đưa tay chỉ những cây sưa chảy nhựa đen bám đầy thân, ông Tiến cho biết: Những cây sưa của tôi đã bắt đầu có lõi, nhưng để thu hoạch phải chờ thêm khoảng 6 - 10 năm nữa, khi cây có đường kính trên 20 cm, lúc đó chỉ cần mỗi cây bán khoảng 40 triệu đồng thì tôi cũng có trong tay trên 30 tỉ đồng”.
Để dẫn chứng về giá trị kinh tế của cây sưa, ông Tiến cho biết nhà bà con của ông ở thôn Mai Khê (xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) có một cây sưa đường kính khoảng 25 cm – 30 cm. Khi ông Tiến tìm đến hái trái lấy hạt về làm giống thì thấy thương lái đến trả giá 970 triệu đồng cho cây sưa này nhưng chủ nhà đòi đúng 1 tỉ đồng và thương lái mua ngay lập tức. Dù 800 cây sưa của ông Tiến chưa đến tuổi khai thác nhưng mới đây có người đã tìm đế hỏi mua nhưng ông Tiến không bán.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp (Bình Phước), cây sưa thuộc loại gỗ quý. Dù giá gỗ sưa sốt hay không sốt thì người trồng loại cây này không lo ế, vì nó luôn luôn được bán rất chạy cho những người làm đồ mộc. Tại Bình Phước, nhiều năm qua, người dân ở các huyện như Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Đốp, Lộc Ninh và thị xã Phước Long…, đã trồng cây sưa đại trà để lấy gỗ. Nếu giá sưa như hiện nay thì khoảng 5 năm nữa nhiều người dân ở tỉnh Bình Phước trở thành tỉ phú.
Cây sưa rất dễ trồng
Ông Vũ Đức Thắng, một nông dân ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đang sở hữu hàng trăm cây lát hoa và sưa - hai loài cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao.
Trong khu vườn gần 0,8 ha của ông Thắng, hiện có khoảng 700 cây lát hoa và hàng chục cây sưa đã 8 năm tuổi. Hiện nay 700 cây lát hoa có đường kính gốc trung bình khoảng 35 cm, cao khoảng 5m. Trong khi cây sưa phát triển chậm hơn nên có đường kính gốc trung bình 25 cm, cao khoảng 4 m. Như vậy chỉ vài năm nữa thôi vườn cây của ông Thắng có giá trị hàng chục tỉ đồng.
Để có vốn đầu tư, chăm sóc loại cây dài ngày, ông Thắng trồng rất nhiều loại cây, tạo thành nhiều tầng lớp. Lớp trên cùng - lớp có giá trị kinh tế cao nhất- hai loại cây lấy gỗ quý là lát hoa và sưa, rồi đến chuối, cà phê và tầng dưới cùng dùng trồng các loại rau, nuôi heo, gà, vịt... Chỉ tính riêng hơn 600 gốc chuối laba (một loại chuối đặc sản của Lâm Đồng), vườn ông Thắng mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Kinh nghiệm trồng cây sưa của ông Thắng giống như lời khuyên của ông Nguyễn Văn Bắc. Ông Bắc cũng khuyên người dân có thể trồng cây sưa xen vào vườn điều hoặc vườn cà phê để tạo bóng che nắng cho các loại cây này và cũng có thể trồng theo hàng để chắn gió. Nếu nhà nào không có đất rẫy thì có thể mua vài chục đến vài trăm cây trồng theo bờ ranh cách 2 m/cây để tạo bóng mát. Như vậy không những không ảnh hưởng đến các loại cây khác mà cây sưa còn tạo chất dinh dưỡng cho đất vì nó thuộc họ đậu, rất thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước, cho biết cây sưa hợp với mọi loại đất, nếu trồng trên đất đỏ cây sinh trưởng nhanh hơn.
Cách trồng cây sưa Một vườn sưa ở Bình Phước
Bình luận (0)