TPHCM: 4 tháng, chi trả hơn 140 tỉ đồng
Đến tháng 5-2012, tình hình lao động thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong quý I/2012 đã có 5.012 doanh nghiệp (DN) gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế TP, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2011. Tại các KCX - KCN trên địa bàn TP cũng có hơn 100 DN nhỏ và vừa ngừng hoạt động. Trong quý I/2012, có 36.000 NLĐ đăng ký thất nghiệp, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước; riêng tháng 3-2012 có hơn 17.000 người đăng ký hưởng TCTN. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2012, BHXH TPHCM đã chi trả TCTN cho 27.797 người với tổng số tiền hơn 140 tỉ đồng.
Còn tại Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2012 đã có 7.324 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 6.894 người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Tại Bình Dương, trong thời gian này có 10.316 người đăng ký BHTN, số người nộp hồ sơ hưởng là 7.183 người, tăng mạnh so với các tháng cuối năm 2011.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, TP, Công đoàn (CĐ) ngành báo cáo về tình hình lao động thất nghiệp từ đầu năm đến hết tháng 5-2012. Theo báo cáo của CĐ Dầu khí Việt Nam, hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc và trong quý I/2012 chỉ có một số công ty con hoạt động không hiệu quả với hơn 160 người không có việc làm, hơn 400 người phải chờ nghỉ việc. Riêng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có gần 1.400 người nghỉ chờ việc có hưởng lương, gần 2.000 người phải nghỉ chờ việc không hưởng lương và gần 500 lao động mất việc. Toàn ngành GTVT có gần 7.000 trong tổng số hơn 77.000 lao động thiếu việc làm và hơn 1.300 lao động chờ việc.
Lao động kỹ thuật cao cũng thất nghiệp
Nếu các năm trước, NLĐ ngành may nghỉ việc nhiều nhất thì năm nay, ngoài lao động phổ thông, số lao động có tay nghề chuyên môn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (nhất là địa ốc), cơ khí… cũng nghỉ việc nhiều. Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, cho biết: Tình trạng lao động có tay nghề chuyên môn, lao động kỹ thuật cao nghỉ việc nhiều hơn trước diễn ra trong 2 năm trở lại đây. Năm 2011, số lượng người có thu nhập cao (nhận TCTN từ 4 triệu đến gần 10 triệu đồng/tháng) cũng chiếm khoảng 7% trong số người hưởng TCTN. Năm 2012, tỉ lệ cũng tương tự, với các nguyên nhân: do NLĐ “nhảy việc”, do DN giải thể, phá sản.
Điều đáng quan tâm nhất, theo ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, là sự bất cập trong thực hiện Luật BHXH hiện nay. Dự báo trong quý II/2012, số tiền chi trả TCTN sẽ còn tăng và chưa biết nguồn quỹ BHXH chịu đựng đến đâu nếu số lao động thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Mặt khác, như Báo Người Lao Động từng phản ánh, tình trạng DN lợi dụng kẽ hở của luật pháp để “vẽ đường cho hươu chạy”, thỏa thuận cho một bộ phận NLĐ nghỉ việc để làm thủ tục hưởng TCTN, sau đó tiếp nhận họ trở lại làm việc và không ít NLĐ sau một năm làm việc xin nghỉ việc để được hưởng TCTN, mặc dù ngay sau đó họ đã tìm được việc làm.
Tình trạng bất bình đẳng trong quyền lợi đã bộc lộ là trong khi một số người đáng được hưởng BHTN thì lại không được hưởng, trong khi người không thực sự mất việc thì lại được hưởng TCTN. Bởi lâu nay, những DN né tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH đã khiến NLĐ thiệt thòi thì những DN có đóng BHXH nhưng gặp lúc khó khăn, còn nợ BHXH nên khi giải thể hoặc ngưng sản xuất thì NLĐ không được chốt sổ dẫn đến không đủ thủ tục để hưởng TCTN.
Hỗ trợ người lao động học nghề Ngày 11-5, Bộ LĐ-TB-XH có Công văn số 1469 về việc hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm. Theo công văn này, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thống kê, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động, lao động bị mất việc của các DN trên địa bàn. Kết quả thống kê, khảo sát gửi về bộ trước ngày 15-6. Bộ cũng đề nghị các địa phương yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động đối với NLĐ; tạo điều kiện cho NLĐ bị mất việc làm sớm tìm được việc làm mới, tăng cường các hoạt động dạy nghề và hỗ trợ NLĐ học nghề. |
Bình luận (0)