Sức hút từ đồng ruộng
Đồng quê là bộ phim thứ hai về đề tài nông thôn của đạo diễn Lê Phương Nam (sau phim Vịt kêu đồng-dài 8 tập, từng được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao vào năm 2010). Nếu như Vịt kêu đồng có nội dung đậm chất thời sự về dịch cúm gia cầm hoành hành, tàn phá cuộc sống của người dân thì bối cảnh của Đồng quê lùi lại đến những năm thập niên 1930. Mọi bi kịch đều bắt đầu từ tay lão điền chủ giàu có Chủ Chiếu (diễn viên Nguyễn Hậu). Tham tiền, hám gái, Chủ Chiếu đã gieo rắc bao bi kịch lên các gia đình tá điền. Cuộc sống nghèo khổ, đầy rẫy bất công cũng là nguyên nhân dẫn đến những tấn bi kịch trong cuộc đời của nhân vật chính Hai Nghĩa – một chàng trai nghèo nhưng nghĩa khí và tài hoa (do diễn viên Ngọc Hùng thể hiện). Phim khắc họa tính cách người nông dân kiên trung, bất khuất của một thời và đả kích, lên án những hủ tục lạc hậu, chế độ phong kiến hà khắc trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Để có được những bối cảnh xưa, đoàn làm phim đã phải rất vất vả khi tìm đến những địa điểm không có “dấu vết” của cuộc sống hiện đại: trên những cánh rừng đước xa xôi của huyện Cần Giờ - TPHCM, vùng sông nước còn hoang vắng thuộc khu vực Đảo Dừa Lửa (Đồng Nai)… Bất chấp nắng mưa sương gió, đạo diễn Lê Phương Nam – người từng không nề hà “lang bạt” một mình tìm hiểu đời sống của nông dân, dựng chòi để ghi hình phim Vịt kêu đồng – thêm một lần nữa dốc sức cho câu chuyện tâm huyết của mình.
Tiếp nối Đồng quê, một bộ phim khác về đề tài nông thôn cũng sẽ được lên sóng ngay sau đó là Đất mặn - dự án tâm huyết được ấp ủ và thực hiện trong suốt gần 3 năm của đạo diễn Tường Phương. Bối cảnh phim Đất mặn không lùi quá xa như Đồng quê nhưng đó lại là một cuộc đấu tranh giữ đất khác cũng không kém phần khốc liệt, kiên cường của những người dân quê. Bối cảnh chính được quay ở Cà Mau và rải rác ở các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, huyện Củ Chi (TPHCM), Lái Thiêu (Bình Dương)…, Đất mặn hứa hẹn cũng sẽ là một phim đưa khán giả về lại đồng ruộng với những thước phim được trau chuốt kỹ lưỡng.
“Đổi món” cho khán giả
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây xuất hiện nhiều phim đề tài nông thôn trên các kênh truyền hình có lượng người xem cao: Vườn đời, Tình ca cao, Ngõ vắng, Tiếng tơ đồng, Đua nhau làm giàu, Về quê cưới vợ, Chuyện làng bè, Tay chơi miệt vườn, Vọng kim lang, Những cơn mưa tình yêu… Khi phim truyền hình đang ở giai đoạn gần như bão hòa với quá nhiều câu chuyện phim nhàn nhạt, quanh đi quẩn lại là những mối quan hệ tình yêu, gia đình đặt trong bối cảnh đô thị, sự trở lại của những bộ phim khai thác đề tài nông thôn lại trở nên mới mẻ.
Thật ra, phim bối cảnh đồng quê vốn là thế mạnh của phim Việt nhưng khi dòng phim tình yêu kiểu “công chúa hoàng tử” của Đài Loan, Hàn Quốc phát triển, các nhà làm phim đua nhau khai thác, quên mất thế mạnh của mình. Phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam từng có một Đất phương Nam (đạo diễn: Vinh Sơn) vang bóng một thời và có sức sống vượt thời gian. Thỉnh thoảng cũng có những bộ phim chân thực, xúc động về cuộc sống của nông dân, chiếm được cảm tình của đông đảo người xem như: Hương phù sa, Xóm suối sâu, Khát vọng đồng quê và gần đây là Cá rô, em yêu anh…, kể cả những bộ phim chính luận: Gió làng Kình, Ma làng, Bí thư tỉnh ủy...
Bất chấp bài toán kinh phí, nhiều đơn vị sản xuất cũng đã quyết định đầu tư lớn để màn ảnh nhỏ có được những thước phim vượt ra khỏi bối cảnh nhỏ hẹp trong khuôn khổ đô thị chỉ quẩn quanh với biệt thự, quán cà phê, nhà hàng sang trọng, siêu xe các loại… suốt thời gian dài.
Mặc dù có những phim bối cảnh làng quê, sông nước chỉ khai thác các câu chuyện hài hước, không quá nặng về tính chính luận, nhưng theo bà Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Giám đốc Hãng phim Vietcom (đơn vị đang sản xuất bộ phim Hương bưởi – với bối cảnh tại Vĩnh Long), khai thác bối cảnh đồng quê, mở rộng không gian cũng là một cách mang đến món ăn mới cho khán giả. Đạo diễn Bùi Nam Yên cũng cho rằng: “Trước tiên phải làm thỏa mãn thị giác của người xem, những hình ảnh đẹp của đồng quê bao giờ cũng có sức sống, thu hút riêng của nó và hỗ trợ cho câu chuyện phim rất nhiều”.
Chấp nhận lên rừng xuống biển Một trong những bộ phim được đầu tư hoành tráng nhất về bối cảnh trên trường quay hiện nay là Bí mật tam giác vàng của đạo diễn Nguyễn Dương (Hãng phim Lasta sản xuất). Bộ phim hình sự, hành động này lựa chọn quay ở những bối cảnh xa xôi, hiểm trở trải dài từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam đến Lào, Thái Lan và cả khu Tam giác vàng (nằm ở biên giới 3 nước Lào – Thái Lan – Myanmar). Khai thác đề tài tình yêu, gia đình nhưng hai đạo diễn trẻ Bùi Nam Yên – Trần Quế Ngọc cũng đã không quản khó khăn “lên rừng, xuống biển” để có thể “đưa vào phim những hình ảnh đẹp của đất nước”. Thành công sau bộ phim Đỗ Quyên trong mưa với bối cảnh đẹp lãng mạn tại Đà Lạt, Bùi Nam Yên và Trần Quế Ngọc tiếp tục chọn bối cảnh xa xôi tận vùng biển Phú Yên để ghi hình cho câu chuyện “cơn bão Chanchu” trong bộ phim Màu xanh đôi mắt. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả cũng đang được xem câu chuyện có bối cảnh ở miệt vườn sông nước Tình ca cao, Vọng kim lang hay vùng núi rừng Tây Nguyên trong phim Dốc sương mù… |
Bình luận (0)