Tham nhũng từ lâu đã được xem là một thứ quốc nạn, nội xâm ở nước ta. Chính vì thế mà phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị. Bằng nỗ lực nhiều năm qua, một trận tuyến phòng chống tham nhũng - từ luật pháp, cơ chế, chính sách cho tới tổ chức bộ máy - đã dần hình thành và hiện đã tương đối hoàn thiện.
Thế nhưng, dù phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực và từng bước được kiềm chế trên một số lĩnh vực song tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội. Như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Chống tham nhũng xét cho cùng là ngăn chặn, phòng chống những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay nhiệm vụ được giao để tìm cách nhũng nhiễu, trục lợi. Nói cách khác, tham nhũng chỉ có ở những nơi có chức vụ, quyền hạn, nhất là ở người lãnh đạo, giữ trọng trách.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi đánh giá phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt lưu ý vai trò “cực kỳ quan trọng” của các ủy viên Trung ương, lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp. Ông kêu gọi mỗi ủy viên Trung ương hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
“Đũa thần” chống tham nhũng không hẳn là luật pháp, tổ chức bộ máy mà chính là sự gương mẫu, trong sạch của những người lãnh đạo, có chức quyền. Nếu tuyệt đại đa số những người lãnh đạo, có chức vụ quyền hạn đều trong sạch, đi đầu chống tham nhũng tất sẽ thành “chiếc đũa thần” làm xoay chuyển cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta.
Bình luận (0)