xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện “giết” hạ du

HOÀNG DŨNG - HỒNG ÁNH

Gần 34.000 ha ruộng vụ hè thu của 2 tỉnh Quảng Nam, Phú Yên và TP Đà Nẵng đang chờ nước để gieo sạ; người dân thì đang phải dùng nước nhiễm mặn

Nắng nóng liên tục kéo dài, mạch nước ngầm tụt sâu và các hồ thủy điện xả nước  cầm chừng khiến dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn xuống mức kỷ lục so với mọi năm nên không bảo đảm nguồn nước phục vụ khu vực hạ du. Hơn 10.000 ha ruộng vụ hè thu của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang chờ nước.
 
img
Cánh đồng ở xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn - Quảng Nam khô cháy, người dân cho rằng do lượng nước ở thượng nguồn đã bị hệ thống thủy điện dày đặc trên sông Vu Gia - Thu Bồn (ảnh nhỏ) tích hết Ảnh: HOÀNG DŨNG

“Chết” khát

Từ ngày 15-5, nông dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bắt đầu gieo sạ vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, do lượng nước tưới tiêu chưa về kịp nên những cánh đồng trở nên khô khốc.
 
Tại đội 8, thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang - Đà Nẵng, trước mặt chúng tôi là những đám ruộng khô hạn như một bãi sa mạc. Cả cánh đồng rộng lớn đã được bà con nông dân cày xới để chuẩn bị đưa nước vào ngâm, rồi dùng máy cày băm nhuyễn gieo sạ. Tuy nhiên, do nguồn nước chưa về kịp nên người dân đành vác cuốc ra đồng tán nhỏ từng mảnh đất để chờ đưa nước vào ruộng, gieo sạ cho kịp thời vụ.
 
Bà Trần Thị Mai (ngụ xã Hòa Phước) cho biết mọi năm, lượng nước chảy về rất mạnh nên cánh đồng phía trên và dưới đều được gieo sạ cùng lúc. Năm nay, lượng nước chảy về quá yếu, chỉ cung ứng cho cánh đồng phía trên, còn cánh đồng dưới phải chờ. “Không có nước nên đành sạ trễ, nếu gặp bão lụt nhất định bị mất mùa” - bà Mai lo lắng.

Cánh đồng Hồ Mộ Tiêu (xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn - Quảng Nam) cũng chịu chung cảnh ngộ thiếu nước gieo sạ. Mặc dù cái nắng như thiêu như đốt nhưng nông dân Ngô Văn Điểu vẫn cần mẫn băm đất để chờ gieo sạ. Lau những giọt mồ hôi trên trán, ông Điểu bộc bạch: “Không chỉ đám ruộng của tôi bị khô hạn mà cả cánh đồng Hồ Mộ Tiêu này cũng không có nước để gieo sạ đúng thời vụ. Hầu hết những cánh đồng nằm dưới đồng bằng ở các xã Điện Nam, Điện An (huyện Điện Bàn) và những cánh đồng nằm phía trên vùng hạ du ở huyện Đại Lộc cũng đang chờ  “ông” thủy điện xả nước để gieo sạ”.

Nước mặn xâm nhập

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết hơn một tháng qua, các nhà máy thủy điện xả nước nhỏ giọt khiến mực nước các con sông vùng hạ nguồn luôn ở mức thấp. Nước mặn đã xâm nhập  các cửa sông Vĩnh Điện, Thu Bồn... Tại trạm bơm Tứ Câu (trên sông Thu Bồn), nồng độ mặn lên đến 10,5%0; trạm bơm Cẩm Sa xấp xỉ 6%0, vượt quá mức cho phép nhiều lần nên không thể bơm tưới cho sản xuất trong khi mùa vụ gieo sạ lúa hè thu đã đến.

Tại TP Đà Nẵng, mực nước từ thượng nguồn về “nhỏ giọt” cũng khiến tình trạng xâm nhập mặn vào sông Hàn, sông Yên và hạn hán diễn ra nghiêm trọng. Khu vực sông Hàn ngay Nhà máy nước Cầu Đỏ (Công ty Cấp nước TP Đà Nẵng - DAWACO), nơi cung cấp nước sinh hoạt toàn TP Đà Nẵng, mực nước xuống thấp, nhiễm mặn và đục bất thường. Độ mặn đo được tại điểm lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lên đến 500 mg/lít. Vì vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, Nhà máy nước Cầu Đỏ ngừng lấy nước từ sông Hàn tại khu vực quận Cẩm Lệ. Để bù vào nguồn nước thiếu hụt này, Xí nghiệp Sản xuất nước Cầu Đỏ đã bơm khoảng 160.000 m³ nước tại Trạm bơm An Trạch chuyển về bể nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ để dự phòng. DAWACO cũng tăng khả năng cung cấp nước sạch từ trạm cấp nước Sơn Trà (lấy nguồn nước từ suối Sơn Trà) với công suất bình quân gần 150.000 m³/ngày đêm. “Đây chỉ là biện pháp tình thế, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì không bao lâu nữa nguồn nước từ trạm bơm An Trạch sẽ cạn kiệt” - ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc DAWACO, cảnh báo.

Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều hộ dân ở các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, do nước chảy về rất yếu nên họ phải thức đêm hứng mới đủ dùng. “Nước hơi đục và lờ lợ như bị nhiễm mặn khiến nhiều người bất an” - một người dân cho biết.

“Uống” cạn nước sông Ba

Các ngành chức năng cùng đại diện những thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên vừa có cuộc họp về việc điều tiết nước cho vùng hạ du sông Ba nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho 23.500 ha ruộng vụ hè thu ở địa phương này.

Tại cuộc họp, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên thừa nhận việc bảo đảm nước tưới cho diện tích lúa hè thu sẽ gặp khó khăn do nắng nóng diễn biến phức tạp và việc thiếu nước trầm trọng cho vùng hạ du như năm 2011 sẽ tái diễn nếu các thủy điện không điều tiết nước hợp lý. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết để bảo đảm nước tưới vùng hạ du, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ và Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh sẽ luân phiên chạy máy liên tục. Nếu không, 2 nhà máy thủy điện này phải có trách nhiệm xả nước liên tục ở mỗi nhà máy là 20 m3/giây. “Thực hiện được việc này, vùng hạ du mới mong không bị khát nước” - ông Tâm nói.
img
Cánh đồng khô hạn ở xã Đại An, huyện Đại Lộc - Quảng Nam đang chờ nước để gieo sạ. Ảnh: HOÀNG DŨNG
 
Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, để bảo đảm nước tưới, lưu lượng nước sông Ba về đập Đồng Cam phải tối thiểu 30 m3/giây. Hiện tại, lưu lượng nước về đập xấp xỉ con số này nhưng chỉ mới vào mùa khô, các hồ thủy điện trên sông Ba còn nước để xả chạy máy. “Một khi nắng nóng kéo dài, các hồ này bị cạn thì không lấy gì bảo đảm nguồn nước về đập” - ông Anh nói.

Thiếu nước do thủy điện “nắn dòng”

Theo ông Trần Tiến Anh, hơn 80 năm hoạt động, chưa khi nào đập Đồng Cam thiếu nước như năm 2011. Nguồn nước về đập ít nên nước dẫn vào 2 kênh chính Bắc và chính Nam giảm từ 35 cm đến 40 cm so với bình thường. “Lưu lượng nước về đập Đồng Cam giảm bất thường là do Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak “nắn dòng”, lấy nước sông Ba nhưng lại trả nước sau chạy máy về sông Kôn (Bình Định)” - ông Anh nói.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có công văn gửi Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị xem xét quy trình vận hành của thủy điện An Khê - Ka Nak nhưng vẫn không thay đổi được gì. “Họ cho rằng đã xây dựng nhà máy theo thiết kế được duyệt nên không thể sửa đổi” - ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết.

Kỳ tới: Đấu đến cùng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo